Cập nhật: 24/05/2021 15:18:00
Xem cỡ chữ

Dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp khi liên tiếp phát hiện những ổ dịch liên quan đến biển thể mới lây lan nhanh hơn.

Trong khi đó các điểm nóng Ấn Độ và Mỹ dường như lại đang cho thấy xu hướng giảm và bắt đầu tính đến chuyện nới lỏng phong tỏa. Bức tranh tương phản vẫn luôn diễn ra trong suốt hơn 1 năm qua này đã cho thấy thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, đó là làm sao tận dụng được “thời điểm vàng” khi vaccine bắt đầu phát huy hiệu quả.

Biến thể SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Biến thể SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ấn Độ đang chứng kiến số ca lây nhiễm mới giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao ở mức trên 400.000 ca/ngày xuống quanh mốc trên 200.000 ca/ngày, trong khi số ca tử vong cũng xuống dưới 4 nghìn.

Theo Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal, nếu xu hướng này tiếp tục, thủ đô New Delhi sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa vào tuần tới. Một điểm nóng Covid-19 khác là Mỹ, quốc gia luôn dẫn đầu về số ca mắc trên toàn cầu, hôm qua (23/5) cũng lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới dưới 30.000 người, thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Tỷ lệ tử vong cũng thấp nhất kể từ mùa Hè năm 2020. Gần 50% người dân tại nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và mặc dù tốc độ đã chậm lại, song tỷ lệ này vẫn tăng khoảng 2% mỗi tuần.

Trong một bức tranh tương phản, dich bệnh Covid-19 tại nhiều nước Đông Nam Á lại diễn biến phức tạp, trong đó Thái Lan, Malaysia và Indonesia liên tục phát hiện các ổ dịch có liên quan biến thể mới lây lan nhanh hơn. Tại Malaysia, nước này vừa trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ đầu dịch khi số ca mắc mới lần đầu tiên gần chạm ngưỡng 7.000 đặt hệ thống y tế đất nước  trước áp lực nặng nề.

Tiến sĩ Chee Hui Yee thuộc Đại học Putra, Malaysia nhận định: “Tình hình là rất đáng lo ngại đối với những ca mắc không triệu chứng. Một số trong số này không có triệu chứng do trước đó không tiếp xúc với nguồn lâu nhiễm virus hoặc tiếp xúc mà không biết, vì vậy không có biện pháp phòng ngừa Điều này sẽ góp phần làm gia tăng tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng".

Tại Thái Lan, chính quyền nước này cuối tuần qua đã phải quyết định siết chặt kiểm soát biên giới sau khi phát hiện 3 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Các ca nhiễm này là lây nhiễm trong cộng đồng và xuất phát từ các vụ vượt biên trái phép. Biến thể ở Nam Phi được phát hiện tại Thái Lan tương tự biến thể được cho là đang “góp phần” làm gia tăng số ca mắc tại Malaysia.

Trong khi đó, biến thể B.1.617, lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ đã có mặt tại hàng chục quốc gia. Đây là biến là bị xem là thủ phạm góp phần đẩy số ca nhiễm Covid-19 tăng lên mức độ khủng khiếp ở Ấn Độ trong thời gian gần đây. Theo Tổ chức Y tế thế giới, B.1.617 là biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu, với mức độ và lây lan nhanh hơn so với những biến thể được tìm thấy trước đây. Tuy nhiên, trong một tín hiệu tích cực, kết quả nghiên cứu mới đây của Chính phủ Anh cho thấy việc tiêm đủ hai liều vaccine có khả năng chống lại biến chủng B.1.617 phát hiện tại Ấn Độ với tỷ lệ bảo vệ lên tới 81% và 87% đối với biến thể B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên tại Anh.

Bà Susan Hopkins, một quan chức cơ quan y tế công cộng Anh cho biết: “Hiệu quả của vaccine đối với biển thế B.1.617.2 từ Ấn Độ tương tự như với biến thể lưu hành tại Anh trong 6 tháng qua. Và đây là một tin rất tốt và đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết sách liên quan tới hoạt động đi lại, cũng như tăng tốc triển khai tiêm vaccine liều hai sau 8 tuần cho những người dễ bị tổn thương nhất.”

Cùng với những nghiên cứu trước đó tại Ấn Độ hay Mỹ, nghiên cứu mới nhất này đã cho thấy vaccine đã bắt đầu phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy  nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” này, thế giới vẫn cần một giải pháp đồng bộ và những bước đi phối hợp trên toàn cầu./.

Theo Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp) – 24/5/2021

https://vov.vn/the-gioi/dong-nam-a-dau-dau-voi-mot-loat-bien-the-sars-cov-2-moi-860276.vov