Cập nhật: 25/05/2021 08:30:00
Xem cỡ chữ

Không ít bố mẹ có tư tưởng muốn con đi theo con đường sự nghiệp của mình, nối nghiệp hoặc kế nghiệp. Thế nhưng lại có đến 50% học sinh, sinh viên không đi theo định hướng của bố mẹ.

Hướng nghiệp là việc vô cùng quan trọng, hướng nghiệp không chỉ diễn ra trong các nhà trường, mà quan trọng hơn hết là hướng nghiệp từ gia đình. Mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn con đưa ra những sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai để đi đến thành công như mong đợi. Nhưng với không ít phụ huynh, một trong những băn khoăn thường gặp là liệu bố mẹ có nên định hướng nghề nghiệp cho con cái hay để con tự quyết định con đường tương lai cho mình?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Hiếu, Tiến sĩ Kinh tế ĐH Stanford, Giám đốc học thuật Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết, qua kinh nghiệm 15 năm làm việc với khoảng 5.000 học sinh, trong số đó, có khoảng 50% các em lựa chọn con đường khác với định hướng của bố mẹ từ bậc phổ thông lên đại học. Nhiều em chuyển ngành khác khi đang học đại học, hoặc học đại học nhưng lại làm trái nghề.

TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng bố mẹ nên tạo cho trẻ cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn để tìm ra những lĩnh vực phù hợp với khả năng của các con. (Ảnh: Olympia school)

TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng bố mẹ nên tạo cho trẻ cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn để tìm ra những lĩnh vực phù hợp với khả năng của các con. (Ảnh: Olympia school)

Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, bản thân mỗi người hiện tại không thể hình dung được những thay đổi của thế giới trong tương lai. Chúng ta không thể nhìn thấy được tất cả những con đường, lựa chọn trong và tương lai, thậm chí lựa chọn đó còn chưa chắc đã tồn tại ở hiện tại. Vậy nên không thể vẽ được một hướng đi quá rõ, thậm chí là 3,4 con đường vẫn còn ít với con trẻ. Điều đầu tiên người lớn có thể làm cho trẻ là tạo ra các trải nghiệm, kết nối con trẻ với rất nhiều môi trường, con người khác nhau ở rất nhiều điểm chạm. Biết đâu trong một điểm chạm nào đó, trẻ sẽ nhận ra được đam mê và con đường của mình…

“Tôi vẫn nhớ có phụ huynh nhờ tôi hướng nghiệp cho các con. Khi đó tôi trả lời chính tôi cũng không biết cuộc sống, thế giới trong tương lai sẽ ra sao, ngay cả khi tôi mường tượng ra tương lai thì thực tế cũng rất khác. Điều tôi có thể làm là kết nối cho học sinh của mình là kết nối các con với nhiều môi trường, nhiều trải nghiệm ở những doanh nghiệp, tập đoàn, với những cô chú ở các lĩnh vực khác nhau để tìm điểm chạm.

Mới đây, tôi có dẫn học sinh của mình vào một công ty, một em học rất giỏi nhưng lại chuyên ngủ gục trong lớp, gia đình cũng muốn định hướng cho con theo ngành thời trang để kế nghiệp, nhưng đó lại không phải điều con mong muốn. Nhưng khi được nghe một chuyên gia nói về các thuật số facebook, học sinh này đã ngồi nghe rất chăm chú trong vòng 3 tiếng đồng hồ liên tiếp. Tôi biết đây chính là điểm chạm của con”, TS Hiếu nói.

Bên cạnh trải nghiệm, để trẻ thành công trong thế giới đầy biến động, chuyên gia này cho rằng, kỹ năng quản lý cảm xúc và các mối quan hệ là rất quan trọng. Trong một thế giới có vô vàn biến số khiến con người trở lên hoang mang, lạc lõng, thậm chí có những cảm xúc tiêu cực. Vậy làm sao để kiểm soát được những điều đó khi xảy đến và ứng phó với nó. Nếu chỉ có năng lực tư duy nhưng lại không có cảm xúc xã hội thì rất có khả năng những gì anh đã xây dựng sẽ bị sụp đổ một sớm một chiều.

Tiến sĩ Kinh tế Stanford cũng cho rằng, ngày nay ngoài 1 số nghề cần những kỹ năng rất đặc thù như bác sỹ, vật lý hạt nhân… thì nhiều nghề khác lại cần những kỹ năng chung. Do đó, khi đào tạo trong các nhà trường và gia đình cần chú trọng đến việc giúp học sinh hình thành năng lực cốt lõi. Quan trọng hơn, những năng lực ấy phải giúp các em chuyển giao qua rất nhiều ngành nghề trong tương lai chứ không chỉ đơn thuần phục vụ 1 nghề duy nhất.

Hay khả năng sáng tạo cũng vô cùng quan trọng, đây là một trong những điểm yếu của người Việt. TS Hiếu đưa ra lời khuyên rằng các bậc cha mẹ nên cho con có nhiều cơ hội trải nghiệm. Trong mỗi trải nghiệm đó, hãy luôn đặt ra câu hỏi đang tạo cho trẻ những năng lực, phẩm chất, giá trị gì để con có thể đứng vững trong thế giới khi bố mẹ không ở bên cạnh.

Đặc biệt, nói về những kỹ năng cần trong bối cảnh hiện nay, dẫn lời nghiên cứu của ĐH Harvard, TS Nguyễn Chí Hiếu cho biết, một số kỹ năng sẽ bị máy móc đào thải chủ yếu là những thao tác thô như kỹ năng ghi nhớ và truy hồi thông tin, trình bày thông tin, nhận diện các mô típ có sẵn, thực hiện các thao tác lặp lại, làm việc độc lập, thông minh theo kiểu “sách vở”.

Bên cạnh đó, những kỹ năng có khả năng trụ vững như các thao tác tinh tế, phức tạp của các nhà hội họa, mỹ thuật, múa, thủ công… các thao tác yêu cầu có sự cảm nhận của các giác quan, có sự lập luận và giải quyết các vấn đề thực tế, kỹ năng sáng tạo…

“Nếu không giáo dục để khơi gợi tính sáng tạo ở mỗi đứa trẻ, trước sau gì máy móc cũng có thể làm nhanh hơn con người. Kỹ năng hợp tác, thông minh cảm xúc xã  hội là rất quan trọng”, TS Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN - 25/5/2021

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-me-co-nen-dinh-huong-cho-con-theo-nghe-nghiep-cua-minh-860434.vov