Trong bối cảnh hầu hết các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thì sản xuất công nghiệp vẫn là điểm sáng, đóng vai trò trụ cột trong phát triển KT-XH của tỉnh với mức tăng khá. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp đã chủ động thích ứng với tình hình mới, thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, lựa chọn những phương án tối ưu để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác đóng trên địa bàn, từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại, doanh nghiệp sản xuất xe máy này đã gặp phải không ít khó khăn, nhất là về nhân lực, nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Để đảm bảo ổn định sản xuất, cùng với việc triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đã chủ động thay đổi chiến lược, tập trung sắp xếp, cơ cấu lại mô hình tổ chức, điều hành; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt. Nhờ đó, trong 5 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được đảm bảo, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp tiếp tục được mở rộng không chỉ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn sang một số nước châu Âu.
Theo thống kê của Sở Công Thương, 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù trên địa bàn tỉnh có 7/24 ngành công nghiệp cấp II bị giảm chỉ số sản xuất so với cùng kỳ do tác động của dịch bệnh, nhưng có đến 17/24 ngành có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ, vì vậy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh có mức tăng khá. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục được duy trì, kỳ vọng tạo động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh; ngành sản xuất linh kiện điện tử luôn ổn định trong sản xuất và nhận được các đơn hàng của các đối tác lớn, tăng trên 34%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng gần 51%, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 7,85% và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 27%... Có được kết quả đó là nhờ sự chủ động, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành, hạn chế những tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2021, Vĩnh Phúc phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 11,5%. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, yếu tố tiên quyết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần tiếp tục có chiến lược sản xuất, kinh doanh hợp lý, lựa chọn những phương án tối ưu để vượt qua thời điểm khó khăn này./.
Phương Liên