Sáng 13/7, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và Trường Đại học Indiana - Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn đối thoại phát triển địa phương năm 2021 với chủ đề “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì buổi đối thoại. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 58 điểm cầu trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Với 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bao quát toàn diện các nội dung, lĩnh vực phát triển của đất nước; khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; lan tỏa đến mọi địa phương tinh thần hành động quyết liệt, ý chí quyết tâm thoát khỏi lối mòn để bứt phá, vươn lên một cách mạnh mẽ. Đây là lúc rất cần có tư duy Quốc gia và hành động địa phương để các địa phương định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước. Có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể Quốc gia, khắc phục được tình trạng mạnh ai nấy làm, đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng.
Tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tại diễn đàn đối thoại đều cho rằng: Trạng thái bình thường mới đòi hỏi các địa phương thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển; nhất là nắm bắt cơ hội trong thách thức. Để làm được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và phòng chống dịch, các chuyên gia khẳng định trước hết phải nâng cao năng lực quản trị thực thi, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số. Đối với cấp địa phương, cần xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát khoa học, bài bản, minh bạch việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ. Quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thể chế, chính sách, phát triển nhân tố con người nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đồng thời nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra nhiều dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế cũng như nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý./.
Lê Minh