Sau 2 năm Vĩnh Phúc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) theo Quyết định 490 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay chương trình thực sự đã có tác động lớn đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, đối với các sản phẩm nông sản, việc đạt chứng nhận OCOP đã và đang mang lại ý nghĩa thiết thực trong sản xuất, tiêu thụ và nhất là xây dựng thương hiệu nông sản tại các địa phương.
Sau 2 năm triển khai chương trình, trải qua nhiều khâu xét chọn, Vĩnh Phúc đã có 40 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó, năm 2019 có 18 sản phẩm, năm 2020 có 22 sản phẩm. Mặc dù thời gian triển khai ngắn, nhưng với sự cố gắng của các chủ thể, chương trình đã ghi nhận được rất nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao như: các loại bột sữa gạo lứt sinh thái của Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên (thành phố Phúc Yên) và mật ong gừng sả của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (huyện Bình Xuyên),... Đây đều là những sản phẩm có chất lượng tốt, đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao này sẽ có cơ hội tiếp tục hoàn thiện để đạt chất lượng 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc gia. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới của các địa phương, mà còn thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
Tham gia vào chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX đã chủ động cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được người tiêu dùng tin tưởng hơn và được tỉnh tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy mà các sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.
Mặc dù, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, số sản phẩm được đánh giá, phân hạng còn khá khiêm tốn và chưa có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc của địa phương. Nhưng những kết quả đạt được trong giai đoạn 2018-2020 là động lực để Chương trình OCOP của tỉnh tiếp tục được triển khai rộng rãi giai đoạn 2021-2025. Đây được coi là Chương trình quan trọng, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ sở quan trọng để Vĩnh Phúc thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đây cũng là một trong những chương trình nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.
Hà Giang