Cập nhật: 25/07/2021 09:23:00
Xem cỡ chữ

Phát huy truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, huyện Sông Lô luôn quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa và coi việc chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, gia đình liệt sỹ là việc làm thường xuyên để giáo dục thể hệ trẻ, tri ân những người con của quê hương đã ngã xuống, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, trở về địa phương sức khỏe của thương binh Nguyễn Thanh Vân, thôn Đôn Mục, xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô giảm sút nhiều do những vết thương trong những năm tháng ở chiến trường để lại, cùng với cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Song nhận được  sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, năm 2013 gia đình ông đã được hỗ trợ 40 triệu đồng từ “ Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng căn nhà kiên cố hơn. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình.

Huyện Sông Lô có 106 mẹ Việt nam Anh hùng, trong đó có 2 mẹ còn sống và hơn 1.200 liệt sỹ, hơn 800 thương binh, bệnh binh. Bên cạnh việc hỗ trợ các gia đình chính sách phát triển kinh tế, huyện Sông Lô đã rà soát, lập danh sách các đối tượng chính sách, người có công khó khăn về nhà ở để có phương án hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng nhà mới trên tinh thần không để gia đình người có công nào phải ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng. Từ năm 2013 đến nay, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ và nguồn kinh phí huy động từ Qũy đền ơn đáp nghĩa, các địa phương đã huy động sự chung tay của toàn xã hội xây mới, sửa chữa gần 600 ngôi nhà cho người có công và tu bổ nhiều công trình ghi công liệt sỹ.

Mặc dù phải tập trung cao độ cho công tác chống dịch Covid -19, nhưng nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày thương binh, liệt sỹ, huyện Sông Lô vẫn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động để tri ân các anh hùng, liệt sỹ và thành lập 6 đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn.

Với sự hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước, các thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng đã phát huy tốt phẩm chất bộ đội cụ Hồ, chủ động đổi mới hình thức sản xuất, kinh doanh, áp dụng các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên đời sống của người có công và các gia đình chính sách ngày càng được nâng lên. Đến nay, trên địa bàn huyện Sông Lô không có hộ đói, nghèo là các gia đình có công với cách mạng.

Thu Hoài