Một số quốc gia từng là hình mẫu chống Covid-19, giờ đây đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng do biến thể Delta gây ra.
Biến thể Delta “vô hiệu hóa” các biện pháp phòng dịch từng có hiệu quả?
Cách đây không lâu, các quan chức ở nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã coi việc họ có số ca mắc Covid-19 thấp là một thành công. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã hoàn toàn đảo ngược.
Biến thể Delta đã khiến nhiều quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng, rơi vào cảnh thiếu hụt vaccine và các biện pháp phòng dịch từng có hiệu quả dường như không đủ để chống lại biến thể có khả năng lây truyền cao này.
Hàn Quốc thừa nhận rằng giãn cách xã hội là chưa đủ để chống lại biến thể Delta. Australia tự hỏi liệu các đợt phong tỏa có thể ngăn chặn các đợt bùng phát dịch tiếp theo hay không. Singapore đã và đang thực hiện từng bước để chuẩn bị cho việc Covid-19 trở thành căn bệnh đặc hữu, giống như bệnh cúm mùa.
Tỷ lệ mắc Covid-19 ở nhiều quốc gia vẫn ở mức thấp, so với Mỹ và châu Âu, nhưng phần lớn khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khả năng miễn dịch. Theo Oxford Economics, số người mắc bệnh của khu vực này ít hơn rất nhiều so với phương Tây, nghĩa là khả năng miễn dịch tự nhiên sẽ kém hơn. Ngoài ra, chưa đến 20% dân số ở hầu hết các nước châu Á đã được tiêm chủng đầy đủ.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến giới chức của nhiều quốc gia tự hỏi liệu các biện pháp phòng dịch từng có hiệu quả còn có thể áp dụng hay không.
Hàn Quốc, với 13% dân số được tiêm chủng đầy đủ, đã đối phó với đợt bùng phát dịch do biến thể Delta bằng cách thắt chặt các biện pháp hạn chế đến mức tối đa. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc vẫn tăng cao lên mức kỷ lục.
“Biện pháp giãn cách xã hội trong chiến lược của chúng tôi không đủ để ngăn chặn các biến thể đang lây lan nhanh chóng”, Son Young-rae, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hàn Quốc, cho biết.
Vào tháng 6, khi biến thể Delta lây lan nhanh ở Sydney (Australia), các quan chức hy vọng biện pháp yêu cầu người dân ở nhà đã ngăn chặn các đợt bùng phát dịch trước đó ở Australia sẽ có tác dụng. Nhưng số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày tại thành phố lớn nhất Australia vẫn tăng vọt.
Omar Khorshid, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, cho biết, chiến lược ngăn chặn dịch bệnh của quốc gia này có lẽ không đủ mạnh và không đủ nhanh để đối phó với biến thể Delta. “Có lẽ cần phải có một cách tiếp cận mới, đặc biệt cho thành phố Sydney và có thể là cho toàn bộ đất nước”, ông Khorshid nói.
Cần tăng tốc chiến dịch tiêm chủng
Mối đe dọa từ biến thể Delta đang cản trở kế hoạch mở lại biên giới và nới lỏng các hạn chế của nhiều quốc gia. Trong khi chiến dịch tiêm chủng vẫn đang được mở rộng, các nước vẫn chưa thể thực hiện các bộ quy tắc phòng dịch dành riêng cho những người đã tiêm chủng và những người chưa tiêm chủng.
So với toàn cầu, mức tăng số ca mắc bệnh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn thấp. Tính đến ngày 26/7, số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày trung bình ở Hàn Quốc là 1.383 ca, ở Australia là 163 ca và ở Trung Quốc là 48, thấp hơn so với 57.301 ca ở Mỹ và 36.054 ca ở Anh.
Tuy nhiên, chỉ một số ít quốc gia châu Á, bao gồm cả Singapore và Hàn Quốc, có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số cho tới cuối năm nay. Theo báo cáo gần đây của HSBC Global Research, nửa đầu năm 2022 có thể là mốc thời gian thực tế hơn cho hầu hết các quốc gia châu Á để đạt được mục tiêu tiêm chủng này.
“Các quốc gia đã thành công trong việc ngăn chặn virus sẽ chưa thể loại bỏ các biện pháp phòng dịch cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao”, Ben Cowling, trưởng khoa dịch tễ học và thống kê sinh học tại trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong, cho biết.
Mặc dù hầu như không có các đợt bùng phát Covid-19 trong thời gian qua, Trung Quốc vẫn đề phòng các mắc bệnh đến từ nước ngoài, bao gồm cả những ca nhiễm biến thể Delta. Trong tuần này, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 170 ca mắc Covid-19 mới ở thành phố phía đông Nam Kinh, nơi họ cho rằng biến thể Delta đang lưu hành và hiện đang xét nghiệm hơn 9,3 triệu cư dân. Nhiều khu vực của thành phố đã bị phong tỏa với mục đích giảm bớt các cuộc tụ tập đông người.
Hơn 40% dân số trong số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc được tiêm chủng đầy đủ.
Theo Wall Street Journal, Bắc Kinh có kế hoạch duy trì các hạn chế về biên giới cho đến nửa cuối năm 2022. Chính phủ muốn đảm bảo rằng Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022 và Đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc vào cuối năm 2022 sẽ diễn ra suôn sẻ.
Các ca bệnh ở Singapore, nơi hơn một nửa dân số đã tiêm chủng đầy đủ, bắt đầu tăng vào giữa tháng 7, chỉ vài tuần sau khi giới chức công bố kế hoạch coi Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu và giảm bớt hạn chế đi lại và tập trung đông người. Chính phủ đã ứng phó bằng cách áp đặt lại lệnh cấm ăn uống tại các nhà hàng, giới hạn số người được phép tụ tập tối đa là 2 người và đình chỉ kế hoạch cho phép di chuyển không cần cách ly đối với những người đã tiêm chủng.
Các quan chức có thể xem xét việc nới lỏng các hạn chế trước tháng 9, khi khoảng 80% trong số 5,7 triệu dân của đất nước dự kiến sẽ được tiêm chủng đầy đủ.
“Đôi khi, chúng ta có thể cần phải đi đường vòng nếu nhìn thấy những mối nguy hiểm ở phía trước. Bằng cách áp đặt các hạn chế, tôi có thể đảm bảo rằng chúng ta sẽ đến đích cuối cùng một cách an toàn, mặc dù có thể mất nhiều thời gian hơn một chút”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, Gan Kim Yong, nói hôm 26/7.
Delta, biến thể được phát hiện ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, đã gây ra sự gia tăng số ca tử vong do Covid-19 ở Indonesia và các nước khác. Nhiều quốc gia phải tái áp đặt hoặc gia hạn lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, Thái Lan đã tránh được những đợt bùng phát dịch bệnh, nhưng nền kinh tế phải chịu thiệt hại nặng nề. Theo Ngân hàng Thế giới, khi biên giới bị đóng cửa, lượng khách du lịch đã giảm từ 39,9 triệu vào năm 2019 xuống còn 6,7 triệu vài năm 2020. Đây được coi là một đòn giáng vào nền kinh tế Thái Lan do du lịch chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.
Các biện pháp này giữ cho tỷ lệ lây nhiễm của Thái Lan ở mức thấp, nhưng số ca mắc bệnh đã tăng nhanh chóng trở lại trong năm nay. Tới nay, Thái Lan mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 5,5% dân số./.
Theo CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) - 31/7/2021
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-quoc-gia-tung-kien-cuong-truoc-covid-19-nay-da-guc-nga-truoc-bien-the-delta-878460.vov