Đây là những chỉ dấu đầu tiên về chính sách cai trị của Taliban sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Taliban hôm 16/8 đã tuyên bố ân xá trên khắp Afghanistan, đồng thời kêu gọi nữ giới tham gia vào chính phủ do lực lượng này thành lập, trong một nỗ lực nhằm cố gắng xoa dịu sự căng thẳng tại thủ đô Kabul – nơi đã và đang chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn khi người dân cố gắng đổ về sân bay để tháo chạy.
“Tiểu vương quốc Hồi giáo không muốn phụ nữ trở thành nạn nhân. Họ nên được tham gia làm việc trong chính phủ theo luật Shariah. Hiện tại, cơ cấu của bộ máy chính phủ vẫn chưa rõ ràng nhưng dựa theo kinh nghiệm, Afghanistan sẽ cần một bộ máy lãnh đạo Hồi giáo hoàn toàn và có sự tham gia của tất cả các bên”, ông Samangani - một thành viên của ủy ban văn hóa Taliban cho biết,
Tuy nhiên, ông Samangani không nêu rõ các chi tiết khác, ngụ ý rằng mọi người đã biết rõ các quy tắc của luật Hồi giáo mà Taliban mong muốn họ phải tuân theo. “Người dân của chúng tôi là những người Hồi giáo và chúng tôi không đến đây để ép buộc họ theo đạo Hồi”.
Tuyên bố của Enamullah Samangani là những chỉ dấu đầu tiên về chính sách cai trị của Taliban sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Afghanistan. Mặc dù không có nhiều báo cáo lớn về các vụ lạm dụng hoặc giao tranh tại Kabul, nhiều người dân vẫn ở trong nhà và lo sợ khi Taliban thả tù nhân trong các nhà tù và chiếm đóng kho vũ khí. Những người lớn tuổi nhớ lại chính sách cai trị theo quan điểm Hồi giáo cực đoan của lực lượng này, trong đó có việc thực thi những hình phạt khắc nghiệt như ném đá, hành quyết công khai trước thời điểm Mỹ can thiệp quân sự.
Trong thời gian cầm quyền từ năm 1996 đến 2001, Taliban đã áp dụng các quy tắc Hồi giáo hà khắc và phụ nữ chủ yếu phải ở trong nhà. Họ không được phép làm việc bên ngoài gia đình và cũng bị cấm bỏ phiếu. Họ có nguy cơ chịu những hình phạt tàn nhẫn nếu vi phạm quy tắc. Mặc dù Taliban đã tiết chế hơn trong những năm gần đây, nhưng nhiều người dân vẫn tỏ ra hoài nghi về chính sách cai trị của lực lượng này.
Các cuộc đàm phán về lộ trình chuyển giao quyền lực được cho là vẫn đang diễn ra giữa Taliban và một số quan chức chính phủ Afghanistan, trong đó có cả cựu Tổng thống Hamid Karzai và Abdullah Abdullah, người đứng đầu Hội đồng hòa giải quốc gia của Afghanistan. Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước ngay sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, hiện vẫn chưa rõ nơi ở của ông./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch). Nguồn: AP – 17/8/2021
https://vov.vn/the-gioi/taliban-tuyen-bo-an-xa-tren-khap-afghanistan-keu-goi-nu-gioi-tham-gia-chinh-phu-883349.vov