Sáng 7/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về Sở hữu trí tuệ đối với các sở, ngành gồm: Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tòa án Nhân dân tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì buổi khảo sát.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Mạnh phát biểu kết luận Hội nghị.
Những năm qua, việc thực hiện chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ được các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tòa án Nhân dân tỉnh thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn tỉnh không có sai phạm nổi cộm, nghiêm trọng thuộc lĩnh vực quyền tác giả, quyền sở hữu.
Thảo luận về vướng mắc, bất cập của việc thực hiện chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ, đại diện các sở, ngành cho rằng, thực trạng đầu cơ nhãn hiệu sở hữu trí tuệ nhằm trục lợi đang xảy ra khá phổ biến trong khi việc hiểu về quyền lợi của chủ thể đối với tác phẩm và chủ động đăng ký giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế. Công nghệ kỹ thuật số ngày càng phát triển khiến các hình thức xâm phạm về quyền tác giả trở nên phổ biến, đa dạng và tinh vi, với sự tham gia của nhiều đối tượng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ thể có liên quan. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số và Internet. Rất khó kiểm soát số lượng người truy cập trong trường hợp tác phẩm được sao chép trái phép từ một website, sau đó được các cá nhân khác tiếp tục chia sẻ lên các trang mạng xã hội hay các website khác. Vấn đề đánh giá thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số cũng gặp nhiều khó khăn.
Kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, các sở, ngành, đề nghị quy định về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học- nghệ thuật, đặc biệt là tác phẩm âm nhạc trong môi trường Internet và kỹ thuật số cần phải được sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay; không nên giới hạn thời gian người thứ ba có ý kiến về việc cấp văn bằng bảo hộ; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đầy đủ quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử, mạng xã hội. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết các tranh chấp và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần hướng việc xử lý theo cơ chế dân sự, hạn chế xử lý các xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính, chuyển sang giải quyết thông qua quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Kết luận buổi khảo sát, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các ý kiến về Luật Sở hữu trí tuệ; giao Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp các kiến nghị tham gia của cơ quan, đơn vị để báo cáo với Quốc hội./.
Mai Anh