Cập nhật: 10/09/2021 08:26:00
Xem cỡ chữ

Sau những biện pháp cứng rắn với các ngôi sao "lệch chuẩn", Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý văn hóa hâm mộ, như một phần trong cuộc chấn chỉnh toàn diện hệ sinh thái của ngành giải trí.

Hâm mộ cũng phải trong khuôn khổ

Mới đây trang Weibo đã đình chỉ có thời hạn hàng loạt tài khoản của những người hâm mộ (fan) các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc như BTS, BLACKPINK, EXO, IU…, với lý do gây ra hiện tượng "hâm mộ thần tượng một cách phi lý". Lệnh cấm 60 ngày được đưa ra sau khi một tài khoản hâm mộ ca sĩ Jimin của nhóm BTS, với 11 triệu người theo dõi, được cho là đã gây quỹ hàng trăm nghìn USD để đặt quảng cáo trên thân máy bay nhân dịp sinh nhật thần tượng.

Người hâm mộ ca sĩ Jimin (nhóm BTS) gây quỹ để mua quảng cáo trên thân máy bay. Nguồn: Twitter

Người hâm mộ ca sĩ Jimin (nhóm BTS) gây quỹ để mua quảng cáo trên thân máy bay. Nguồn: Twitter

Dù đây là một cách kỷ niệm sinh nhật thần tượng khá phổ biến của fan K-pop trên toàn thế giới, tuy nhiên, Weibo cho rằng việc gây quỹ là "bất hợp pháp", "vi phạm quy định cộng đồng" và trang này khẳng định "kiên quyết phản đối hành vi hâm mộ thần tượng phi lý và sẽ xử lý nghiêm túc". Trên thực tế, các tài khoản mạng xã hội này bị cáo buộc kiếm lời từ các nhãn hàng, khi khuyến khích người hâm mộ chi tiền cho các hoạt động quảng cáo và mua sắm liên quan đến thần tượng của họ.

Đây được cho là động thái mới nhất của chính quyền Trung Quốc nhằm loại bỏ làn sóng hâm mộ không lành mạnh. Ngoài ra theo quy định mới, người hâm mộ cũng sẽ không được phép mua album ồ ạt để ủng hộ thần tượng của mình. Dịch vụ phát trực tuyến nhạc của Tencent, QQ Music thông báo chỉ cho phép mỗi người dùng mua tối đa 1 lần các album nhạc. 

Trước đây, người hâm mộ thường mua album nhiều lần để giúp các thần tượng có doanh số cao hơn, đồng thời thể hiện vai trò của người hâm mộ Trung Quốc trong cộng đồng K-pop quốc tế. Sau khi quy định được áp dụng, cộng đồng người hâm mộ ca sĩ Lisa (BLACKPINK) hay Tzuyu (TWICE) tại Trung Quốc đã lên tiếng xin lỗi, vì phải tuân thủ "nguyên tắc dành cho người hâm mộ" nên không thể giúp thần tượng, đồng thời kêu gọi các cộng đồng khác trên thế giới "hãy làm thay cho chúng tôi trong giai đoạn này".

Một sự kiện âm nhạc của nhóm BTS tại Trung Quốc. Nguồn: Yonhap/EPA

Một sự kiện âm nhạc của nhóm BTS tại Trung Quốc. Nguồn: Yonhap/EPA

Giáo sư Zhang Yiwu tại trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng, việc người hâm mộ thể hiện tình yêu với thần tượng có vẻ vô hại, nhưng đằng sau cơn sốt này là những mặt tối của ngành giải trí, có thể khiến giới trẻ chịu nhiều áp lực và khiến mọi chuyện đi quá xa. "Fan cuồng" có ở nhiều nơi, nhưng tại Trung Quốc số lượng và sức huy động quá lớn cả trực tiếp lẫn trực tuyến tạo ra những hệ lụy khó lường. 

Sun Meicheng, nghiên cứu viên tại Đại học Công nghệ Nanyang nhận định rằng các quy định mới sẽ điều chỉnh cách hoạt động của người hâm mộ, đồng thời giảm bớt không khí căng thẳng hiện nay: "Sẽ có sự sụt giảm về doanh số sản phẩm K-pop, bao gồm cả bán album vật lý và kỹ thuật số, cũng như số lần video và bài hát được phát trực tuyến. Các album nhạc vốn luôn bán chạy sẽ chỉ đạt thứ hạng thấp hơn hoặc rời khỏi bảng xếp hạng nhanh hơn. Đây cũng là dịp để thay đổi văn hóa thần tượng, tức là giảm chi tiêu và lao động quá mức từ phía người hâm mộ".

Không chỉ ảnh hưởng đến nghệ sĩ Trung Quốc, ngành giải trí Hàn Quốc cũng lo lắng về quy định này. Doanh số tại Trung Quốc có vai trò cực kỳ quan trọng đối với các nghệ sỹ K-pop trong những năm gần đây. Từ đầu năm 2021, doanh số bán các album K-pop tại Trung Quốc đạt 8,25 triệu USD, nhiều nhất từ trước đến nay. Chưa có tính toán thiệt hại nhưng cổ phiếu của các công ty giải trí lớn tại Hàn Quốc như YG Entertainment, SM Entertainment và JYP Entertainment đều sụt giảm sau những quy định mới từ Trung Quốc. Các nhóm nhạc có thành viên xuất thân từ Trung Quốc như Seventeen, Aespa, NCT Dream và Everglow vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với họ trong bối cảnh hiện nay.

Chấn chỉnh toàn diện "hệ sinh thái giải trí"

Một số nhà quan sát cho rằng, dù hơi muộn nhưng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thiết lập các chuẩn mực cho ngành giải trí, về cách những người nổi tiếng, người hâm mộ và các doanh nghiệp phải hành xử. Chính phủ cũng đã có những động thái nhằm vào chính những người nổi tiếng, như Trịnh Sảng, Triệu Vy… Gần đây, nhiều người nổi tiếng tại Trung Quốc đã phải tham gia các lớp giáo dục đạo đức, hoặc ký cam kết xây dựng ngành giải trí tích cực và lành mạnh.

Sau khi Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đưa ra 10 biện pháp nhằm tăng cường xử lý “văn hóa fan cuồng” vào cuối tháng 8, các cơ quan truyền thông Trung Quốc cũng "hướng dẫn" người dân cần tẩy chay những điều "trái đạo đức", "các ngôi sao ẻo lả" cùng nhiều thứ khác. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc đề nghị các nghệ sĩ nên được đào tạo định kỳ về đạo đức nghề nghiệp.  

Trung Quốc cấm phát sóng các chương trình thực tế theo dạng "Thực tập sinh thần tượng". Nguồn: CFP

Trung Quốc cấm phát sóng các chương trình thực tế theo dạng "Thực tập sinh thần tượng". Nguồn: CFP

Mới đây, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục trấn áp những hành vi lạm dụng trong ngành giải trí, sau một loạt vụ bê bối bao gồm tội trốn thuế của Phạm Băng Băng và Trịnh Sảng. Cơ quan này ra thông báo: "Những cá nhân trong ngành giải trí cần tuân thủ chuẩn mực chung và kỷ luật, tạo ra hình ảnh tốt đẹp. Họ cũng cần từ bỏ những thị hiếu xuề xòa, thô tục, đồng thời phản đối các ý tưởng suy đồi về tôn thờ của cải, chủ nghĩa  khoái lạc và cực đoan cá nhân".

Tiến sĩ Xu Jian (Đại học Deakin, Australia) nhận định, Bắc Kinh không còn chạy theo để xử lý những "ngôi sao lệch lạc" như những năm trước đây, mà nay điều chỉnh quyết liệt và toàn diện đối với toàn bộ "hệ sinh thái" của ngành giải trí. Hệ sinh thái này gồm cộng đồng người hâm mộ, các nền tảng trực tuyến, các chương trình giải trí về thần tượng và quan trọng nhất là các ngôi sao. "Lần này, hành động đã toàn diện hơn và nhắm tới chấn chỉnh ngành giải trí một cách có hệ thống, từ sản xuất, quảng bá đến tiêu thụ" - tiến sĩ Xu Jian nói.

Phó Giáo sư Zhang Weiyu (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng lợi nhuận chính là nguyên nhân nảy sinh ra các vấn đề trong ngành giải trí. Ông phân tích, các nền tảng trực tuyến cần lưu lượng truy cập để thu hút quảng cáo và nhà đầu tư, vì vậy họ tạo ra các bảng xếp hạng thần tượng dựa trên bình chọn để thu hút người hâm mộ dùng nền tảng của mình. Vì điều này, nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh xóa bỏ các bảng xếp hạng. 

Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác trong phim "Legend Of Fei" (2020). Cộng đồng người hâm mộ của hai ngôi sao này vừa có cuộc đại chiến dữ dội. Nguồn: SOHU

Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác trong phim "Legend Of Fei" (2020). Cộng đồng người hâm mộ của hai ngôi sao này vừa có cuộc đại chiến dữ dội. Nguồn: SOHU

Đầu tháng 9, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc tiếp tục cấm các nền tảng truyền hình và trực tuyến phát sóng các chương trình theo dạng "thực tập sinh thần tượng" như "Idol Producer" hay "Produce 101", vốn học mô hình của Hàn Quốc. Các chương trình này gồm nhiều nghệ sĩ cạnh tranh với nhau, người chiến thắng sẽ được tôn vinh là thần tượng hàng đầu. Đây cũng chính là "bệ phóng" cho nhiều ngôi sao, ví dự như Ngô Diệc Phàm – cựu thành viên nhóm EXO. Lệnh cấm nhằm hạn chế những cuộc đối đầu nảy lửa giữa các cộng đồng người hâm mộ để bảo vệ thần tượng của họ, cũng như việc phung phí tiền bạc cho việc mua quà, quảng bá giúp thần tượng, thậm chí là thuê người viết bài nói xấu, kích động các nhóm hâm mộ thần tượng khác./. 

Theo Nam Anh/VOV.VN - 10/9/2021

https://vov.vn/van-hoa/trung-quoc-chan-chinh-ca-fan-cuong-de-lam-lanh-manh-nganh-giai-tri-889345.vov