Chàm môi là một bệnh lý thường gặp với các biểu hiện như nứt nẻ, bong tróc vảy vùng môi. Với điều kiện dịch COVID-19 hiện nay, việc xử trí chàm môi có thể thực hiện tại nhà.
Đôi môi giữ nhiều vai trò đối với chúng ta, đó có thể là nơi thu hút ánh nhìn của người khác khi trò chuyện, cũng là nơi hằng ngày liên quan đến hoạt động ăn uống. Chính vì đôi môi hoạt động và tiếp xúc nhiều như vậy nên bệnh lý vùng môi rất thường gặp. bệnh chàm môi là một ví dụ
Chàm môi là gì?
Chàm môi là loại bệnh môi phổ biến nhất. Bệnh có thể biểu hiện mức độ nhẹ bằng triệu chứng khô, tróc vảy, nứt nẻ môi. Nặng hơn phản ứng viêm có thể lan rộng ra vùng da quanh miệng với triệu chứng đỏ da, da phù nề, có mụn nước hoặc loét nông. Vùng niêm mạc thường ít bị ảnh hưởng và bạn thường có thể có cảm giác đau, ngứa rát.
Bệnh chàm môi có thể biểu hiện mức độ nhẹ bằng triệu chứng khô, tróc vảy, nứt nẻ môi.
Nguyên nhân bị chàm môi?
Nguyên nhân gây ra bệnh có thể xuất phát từ các yếu tố nội sinh (ví dụ: viêm da cơ địa) hoặc có thể do các yếu tố ngoại sinh, chẳng hạn như hóa chất gây kích ứng hoặc các chất gây dị ứng. Đôi khi do kết hợp của cả yếu tố nội sinh và ngoại sinh.
Các dạng thường gặp của bệnh chàm môi
* Viêm môi do tiếp xúc kích ứng:
Dạng bệnh này thường ảnh hưởng đến môi trên và môi dưới, và có thể lan rộng lên da môi. Thói quen liếm môi là một nguyên nhân chính và thường thấy ở đối tượng là ở trẻ nhỏ. Các nguyên nhân khác bao gồm các yếu tố môi trường (ví dụ: lạnh, độ ẩm thấp, gió, nghề nghiệp tiếp xúc với chất gây kích ứng), chất gây kích ứng trong mỹ phẩm thoa môi hoặc sản phẩm vệ sinh răng miệng, hoặc thực phẩm.
*Viêm môi do tiếp xúc dị ứng:
Phản ứng viêm môi xảy ra sau thời gian dài tiếp xúc với chất kích thích phản ứng của hệ miễn dịch gây dị ứng.
Phụ nữ thường bị ảnh hưởng hơn nam giới, có thể do tiếp xúc nhiều hơn với các chất gây dị ứng từ son môi, son dưỡng môi, kem chống nắng, sản phẩm trang điểm hoặc sơn móng tay như hương liệu, dầu thầu dầu, keo ong,myroxylon pereirae và niken....
Các nguyên nhân khác có thể xuất phát từ các sản phẩm như kem đánh răng và nước súc miệng, và một số loại thực phẩm, chẳng hạn như xoài, trái cây họ cam quýt và quế.
* Viêm môi cơ địa:
Đây là dạng viêm môi thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm da cơ địa hoặc có tiền sử bệnh cơ địa.
Hướng dẫn xử trí cho bạn khi chàm môi
Đối với trường hợp mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng các thuốc mục đích để dưỡng ẩm như vaseline, son dưỡng ẩm các thành phần như dầu khoáng, các loại dầu thực vật, bơ hạt mỡ, vitamin E… bôi nhiều lần trong ngày.
Đồng thời, thực hiện những tuân thủ trong đời sống như sau:
- Uống nhiều nước (2-3 lít/ngày);
- Rửa vệ sinh môi, da quanh miệng sau ăn kĩ càng;
- Hạn chế các đồ ăn nhiều gia vị cay nóng;
- Hạn chế liếm môi và không tự cạy bóc vảy.
Đối với chàm môi mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng các thuốc mục đích để dưỡng ẩm để khắc phục tình trạng môi khô, nứt nẻ
Đối với các trường hợp nghi ngờ dị ứng đối với son môi, các sản phẩm chăm sóc hay thức ăn thì hãy để ý kĩ để xác định và hạn chế tiếp xúc sẽ giúp giảm bệnh và bệnh ít tái phát.
Các trường hợp chàm môi mức độ nặng như có sưng môi, có mụn nước hoặc chảy dịch thì trường hợp này sẽ cần các điều trị thuốc kháng viêm, kháng histamin, kháng khuẩn và dưới sự hướng dẫn theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Mùa dịch việc đến khám tại các cơ sở y tế sẽ khó khăn hơn. Qua bài viết, hi vọng bạn đã có thể hiểu hơn và nhận biết được bệnh của mình, cũng như những hướng dẫn để tự xử trí tại nhà. Trong trường hợp bệnh không đáp ứng với những xử trí ban đầu hãy đến khám hoặc chủ động liên lạc với cơ sở y tế để nhận được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 23/9/2021
https://suckhoedoisong.vn/nhung-dang-thuong-gap-cua-benh-cham-moi-va-cach-xu-tri-tai-nha-169210922135334253.htm