Mặc dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống và nhiều người được tiêm vaccine, nhưng những rủi ro lâu dài do COVID-19 vẫn tiếp tục gây lo ngại trên toàn thế giới.
COVID kéo dài, còn được gọi là hội chứng sau COVID đã ảnh hưởng đến nhiều người. Một số người hồi phục sau khi nhiễm virus nhưng vẫn phải tiếp tục chiến đấu với các triệu chứng kéo dài, chẳng hạn như mệt mỏi, ho dai dẳng, suy nhược,… Theo các chuyên gia, một căn bệnh khác cũng ảnh hưởng đến rất nhiều bệnh nhân sau COVID-19 là đau cơ xơ hóa, dẫn đến đau cơ, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ.
Đau cơ xơ hóa là gì?
Đau cơ xơ hóa là một tình trạng sức khỏe mạn tính, đặc trưng bởi đau cơ lan rộng kèm theo mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, rối loạn liên quan đến tâm trạng, các vấn đề về trí nhớ,... Mặc dù các triệu chứng của đau cơ xơ hóa có thể giống với bệnh viêm khớp, nhưng chúng không gây ra viêm khớp hoặc cơ mà chỉ ảnh hưởng đến mô mềm.
Bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài dễ bị đau cơ xơ hóa như thế nào?
Đau cơ xơ hóa là một tình trạng đã được báo cáo ở nhiều bệnh nhân khỏi bệnh do virus SARS-CoV-2. Các biến chứng lâu dài vẫn là một thách thức đối với nhiều người và đau cơ xơ hóa là một căn bệnh đáng lo ngại khác.
Theo một nghiên cứu của Ý dựa vào một cuộc khảo sát trên web, trong số 600 bệnh nhân, khoảng 30,7% người được chẩn đoán đau cơ xơ hóa ở thời điểm trung bình 6 tháng sau khi điều trị COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Trước số lượng lớn ca nhiễm virus SARS-CoV-2, có thể dự báo rằng các bác sĩ thấp khớp sẽ phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ trong các trường hợp mới mà chúng tôi đã xác định là 'FibroCOVID’”.
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đau cơ xơ hóa ở bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài?
Viện Quốc gia về Viêm khớp, Các bệnh cơ xương và Da (NIAMS) phát hiện ra rằng khoảng 5 triệu người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ bị đau cơ xơ hóa và 80 - 90% bệnh nhân gặp tình trạng này là phụ nữ.
Đối với những bệnh nhân COVID kéo dài, nhiều yếu tố có thể góp phần vào nguy cơ phát triển chứng đau cơ xơ hóa. Béo phì hoặc bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt hoặc được điều trị bằng liệu pháp oxy trong thời gian mắc COVID-19 là một số yếu tố nguy cơ.
Trong khi nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết, các chuyên gia cũng tin rằng nó có thể là do di truyền.
Các triệu chứng cần chú ý
Một số triệu chứng thường gặp là đau cơ, khó ngủ, mệt mỏi, đau khớp. Nó có thể đi kèm với các bệnh khác như khó ghi nhớ và tập trung (sương mù não), lo lắng, đau đầu, tê tay và chân, hội chứng ruột kích thích,...
Đau cơ xơ hóa có điều trị được không?
Mặc dù đau cơ xơ hóa có thể gây đau đớn và khó chịu, nhưng nó có thể được điều trị và kiểm soát được. Do mỗi bệnh nhân gặp phải các triệu chứng khác nhau, các phương pháp điều trị có thể khác nhau.
Một số phương pháp điều trị phổ biến nhất có thể giúp bạn khắc phục chứng đau cơ xơ hóa như sau:
- Tập thể dục thường xuyên
- Thiền
- Vật lý trị liệu và châm cứu
- Massage
- Có một chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý.
- Tránh các thói quen sống không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu và sống ít vận động.
- Cải thiện giấc ngủ của bạn.
- Mặc dù đau cơ xơ hóa có thể làm tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm, nhưng đừng né tránh việc tìm kiếm sự hỗ trợ.
Lưu ý, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến các phương pháp điều trị trên./.
CTV Lương Trâm/VOV.VN (Biên dịch) - Ngày 30/9/2021
Theo Times of India
https://vov.vn/suc-khoe/dau-co-xo-hoa-o-benh-nhan-mac-covid-19-keo-dai-894397.vov