Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào quý cuối cùng của năm 2021 với nhiều sóng gió đe dọa làm chậm sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong đó phải kể đến giá cả leo thang, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động...
Sự lây lan của biến thể Delta phá vỡ các kế hoạch đưa cuộc sống trở lại bình thường khi nhiều trường học và công xưởng vẫn đang phải đóng cửa. Tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi các nhà lập pháp Mỹ còn đang tranh cãi về mức trần nợ công và kế hoạch chi tiêu thì Trung Quốc đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và giải quyết "bom nợ" Evergrande.
Giá cả leo thang
Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, trong đó có chi phí nhiên liệu và thực phẩm leo thang, tình trạng tắc nghẽn ở các cảng, gián đoạn chuỗi cung, tình trạng thiếu lao động xảy ra ở nhiều lĩnh vực...
Dù dư địa tăng trưởng vẫn còn nhưng bối cảnh hiện nay làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng yếu và lạm phát gia tăng, có thể ảnh hưởng lớn tới chính sách của các ngân hàng trung ương khiến họ rút lại các gói kích thích kinh tế.
Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, ông Frederic Neumann cho rằng, sự phục hồi kinh tế sẽ được tính bằng năm chứ không phải theo quý.
Hiện nay, tình trạng thiếu điện trên diện rộng ở Trung Quốc đang buộc hàng loạt các nhà máy phải hạn chế sản xuất, thậm chí tạm dừng hoạt động. Điều này khiến các nhà kinh tế phải hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Tình hình thiếu điện này cộng với cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande - nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới - và sự suy thoái rộng hơn trong lĩnh vực nhà đất càng gây áp lực lên sự tăng trưởng vốn đang chậm lại của Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc cũng có nguy cơ làm giá lương thực thực phẩm trên thế giới leo thang. Điều đó có nghĩa nước này đang phải trải qua một mùa thu hoạch khó khăn từ ngô, đậu nành đến lạc và bông. Trong năm qua, Bắc Kinh đã nhập một lượng nông sản kỷ lục để bù đắp thiếu hụt trong nước, khiến cho giá thực phẩm trên toàn cầu lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Trong khi đó, giá khí đốt, than, carbon và điện cũng đang ở mức cao kỷ lục. Giá dầu lần đầu tiên đã vượt mốc 80 USD trong 3 năm. Giá khí đốt cũng đắt nhất trong 7 năm.
Ông Patrick Pouyanne - Giám đốc điều hành của TotalEnergies SE - cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt đang ảnh hưởng đến châu Âu có thể sẽ kéo dài cả mùa đông năm nay.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn khi các nhà phân tích của Bank of American cho rằng, giá dầu có khả năng cán mốc 100 USD, tạo nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Dòng chảy thương mại tắc nghẽn
Thế giới vẫn còn một nỗi lo khác nữa là thiếu hàng hóa khi tình trạng tắc nghẽn gia tăng tại các cảng huyết mạch của thương mại toàn cầu, từ các cảng ở Thượng Hải tới Los Angeles hay các trạm trung chuyển đường sắt ở Chicago và các nhà kho ở Anh.
Tại Mỹ, hàng trăm nghìn container bị mắc kẹt trên các tàu container hoặc chất thành đống tại các bến chờ để chuyển đi bằng xe tải hoặc đường sắt đến các kho bãi và trung tâm phân phối. Tại đây, chúng lại tiếp tục bị mắc kẹt khi đường sắt và nhà kho cũng quá tải.
Các nhà bán lẻ đang tranh thủ đặt nhiều hàng nhất có thể để đảm bảo các kệ không bị trống rỗng, đặc biệt là khi nhu cầu tăng lên trong mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, các nhà sản xuất lại gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng các nguyên liệu quan trọng như: chất bán dẫn, hóa chất hay thủy tinh…
Thiếu hụt lao động
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động ở một số ngành công nghiệp cũng là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp. Các nhà tuyển dụng phải vật lộn để lôi kéo người lao động khi đối mặt với tình trạng thiếu nhân công.
Thách thức về thiếu hụt lao động đối với doanh nghiệp đang gia tăng khi người dân lo ngại về sức khỏe. Tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em và trợ cấp thất nghiệp nâng cao đã khiến hàng triệu người Mỹ không tham gia lực lượng lao động.
Nhưng tình trạng thiếu người sẵn sàng làm việc trong các cửa hàng và nhà kho là đặc biệt nghiêm trọng. Tại nền kinh tế số 1 thế giới, số lượng công việc bán lẻ chưa được lấp đầy đã tăng vọt từ khoảng 750.000 trước khi Covid-19 tấn công lên 1,1 triệu vào tháng 7 vừa qua. Do đó, các nhà tuyển dụng đang phải chạy đua để tăng nhân viên phục vụ kỳ nghỉ lễ và những tháng cuối năm nay - thời điểm quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn tăng tốc về doanh thu./.