Xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, giải phóng sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa phương tiện cơ giới vào đồng ruộng, nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo kết quả khảo sát năm 2014, tình hình cơ giới hóa trên cây lúa của tỉnh tập trung ở 3 khâu chính: khâu làm đất, khâu thu hoạch chủ yếu gặt bằng liềm, dùng máy đập lúa, khâu cấy, chủ yếu cấy bằng tay. Quy mô diện tích đất trồng lúa trung bình là 2-3 sào/hộ. Do nông dân chủ yếu làm thủ công, nên phải sử dụng nhiều sức lao động, trung bình 1 ha gieo trồng lúa phải sử dụng 216 ngày làm việc.
Để cơ giới hóa đi vào sản xuất nông nghiệp như là một “trợ thủ” đắc lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trên từng thửa ruộng, những năm qua, Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để cụ thể hóa chủ trương này. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã hỗ trợ 1.180 máy làm đất, 36 máy cấy, 86 máy gặp đập liên hợp. Đến nay, sản xuất lúa đã cơ giới hóa công đoạn làm đất đạt trên 90% diện tích, công đoạn thu hoạch đạt trên 80%. Đối với công đoạn cấy, trên địa bàn tỉnh đang triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất mạ khay, cấy lúa bằng máy. Hằng năm, lúa cấy bằng máy đạt trên 1.000ha, hiệu quả giảm lượng lúa giống 30%, năng suất lúa tăng 13-15%, thu nhập tăng 6,5-7,5 triệu/ha/vụ so với lúa cấy bằng tay truyền thống.
Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, hiện nay, toàn tỉnh có 50.000ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó, đất trồng cây hàng năm 41.000 ha, chiếm 82% tổng diện tích đất nông nghiệp. Vĩnh Phúc là địa phương có tỷ trọng công nghiệp cao, đa số lực lượng lao động tham gia vào sản xuất công nghiệp dẫn đến thiếu hụt lao động sản xuất nông nghiệp chung trên toàn tỉnh. Bởi vậy ở nhiều địa phương người dân đã và đang chú trọng đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các khâu chủ yếu như làm đất, gieo cấy, thu hoạch.
Do đó việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ đảm bảo kịp thời vụ, giảm được nhiều chi phí, tiết kiệm thời gian, công lao động mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh tăng vụ, tạo tiền để quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch và bền vững./.
Đặng Thưởng