Một công cụ điều hành được chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề cập tới nhằm kìm giá xăng dầu trong nước trong thời điểm phục hồi kinh tế hiện nay đó là giảm thuế.
Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng từ chiều 26/10 (Ảnh: Mạnh Quân).
Xem xét giảm thuế
Dù mạnh tay chi quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 26/10 vẫn được tăng ở mức cao. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.430 đồng; xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít, dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa 17.630 đồng/lít dầu mazut là 17.210 đồng/kg. Mức giá này theo thống kê là ngưỡng cao nhất 7 năm.
Trao đổi với Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng nay (27/10), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, trong khi giá xăng là đầu vào của các hoạt động kinh tế xã hội. Giá xăng tăng cao sẽ đẩy chi phí nhiều lĩnh vực khác, gây thêm khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra cuối tháng 9, đại diện Bộ Công Thương cho biết ngoài việc tính toán nguồn cung, quỹ bình ổn thì sẽ làm việc với Bộ Tài chính liên quan tới những xem xét về giảm thuế… Ông nghĩ sao về việc xem xét giảm thuế để kìm giá xăng dầu trong nước thời điểm này?
- Xăng dầu đang phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu nên để bình ổn giá có thể tính tới điều tiết thuế, phí. Chính sách tôi nghĩ rằng khá nhanh để thực hiện bình ổn.
Nền kinh tế ta đang rất khó khăn, giá xăng dầu lại là đầu vào của hoạt động kinh tế xã hội. Nếu giá xăng dầu cao thì sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, không tốt cho hoạt động kinh tế xã hội nói chung. Vì vậy, việc đề xuất có biện pháp kiềm chế giá xăng dầu là cần thiết, hợp lý.
Điều chỉnh về giá phải sử dụng công cụ thuế của Nhà nước đang quản lý. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng như gần đây thì cũng nên tính toán giảm thuế như nhập khẩu hoặc thuế về môi trường cũng nên tạm thời duy trì ở mức hợp lý.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) (Ảnh: IT).
Vậy với mức tăng rất mạnh như vừa qua, theo ông đây là thời điểm cần thiết để can thiệp, điều tiết thuế?
- Mức tăng như vừa qua chưa phải quá lớn so với thời điểm đỉnh cao của những năm trước đây. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay khi doanh nghiệp rất khó khăn, chúng ta đang phục hồi kinh tế thì giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh như vậy sẽ đẩy các chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác. Đặc biệt là tác động đến giao thông vận tải, du lịch… Trong khi đó, đây vốn là những ngành chịu tác động rất mạnh của dịch vừa qua.
Do vậy, tôi cho rằng cần thiết giữ ổn định giá xăng dầu để ổn định, phục hồi kinh tế, kìm chế tăng giá các ngành khác. Ưu tiên nhất là nên xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó là can thiệp hiệu quả quỹ bình ổn, tăng như vậy thì bỏ trích lập.
Còn thuế môi trường là cái cuối cùng ta cần cân nhắc vì điều tiết thuế này còn liên quan tới hành vi sử dụng của người dùng. Việc điều chỉnh thuế này cũng cần cân nhắc.
Vai trò của liên bộ ra sao?
Theo ông có nên xem xét thêm yếu tố hay dư địa gì khác để "kìm" bớt mức tăng cao?
- Giá xăng dầu trong nước tăng cao một phần do tác động giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên khi cấu thành giá bán trong nước thì còn nhiều khâu khác như lưu thông... Vừa qua khó khăn do Covid-19 nên đương nhiên chi phí của chuyên chở, vận chuyển bị đội lên.
Thêm nữa các chi phí liên quan bị chậm ở khâu logistics, kho bãi, kiểm soát cũng tăng thêm chi phí. Những yếu tố đó cộng vào làm cho giá xăng dầu trong nước cao lên.
Trong bối cảnh này, chúng ta cũng phải xem xét tổng thể những khoản gì đã làm cho giá xăng dầu đội lên. Xem xét để thấy được các chi phí nào cần phải rà soát lại và cắt giảm để giá xăng dầu không tăng quá cao.
Ông đánh giá thế nào về vai trò điều hành của liên bộ trong thời điểm hiện nay?
- Bộ Công Thương đương nhiên phải là ngành phải đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung của các nguồn trong nước. Từ đó mới dự báo được mức độ ảnh hưởng có thể gia tăng vào giá bao nhiêu.
Còn Bộ Tài chính là đơn vị phải thực thi chính sách như trình mức độ thay đổi thuế, điều chỉnh thuế phí như thế nào, cần thẩm tra đánh giá để báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Nhưng để Bộ Tài chính làm việc đó thì Bộ Công Thương phải nắm được khả năng cung ứng trong nước, dự trữ, giá thế giới, các chi phí dự báo, khả năng thay đổi của giá thế nào, khoản chi phí đó tác động, chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong cấu thành giá đó. Dựa trên cơ sở đó mới thẩm định và thẩm tra, đề xuất và thay đổi yếu tố nào, như thuế và phí.
Giá dầu thế giới tăng cao, vậy Việt Nam có nên tăng khai thác trong nước không thưa ông?
Khai thác tài nguyên cần phải theo kế hoạch và chiến lược. Những thời điểm giá quá thấp hạn chế khai thác vừa phải để duy trì công suất, bù đắp được chi phí vận hành. Nhưng thời điểm giá tăng cao thì không nên hạn chế mức khai thác, nhưng không phải vì thế mà tăng công suất một cách quá mức. Vì điều này chưa chắc hiệu quả cao, tăng chi phí không cần thiết, tạo ra sự cạn kiệt nguồn tài nguyên không bền vững.
Nhưng rõ ràng thời điểm giá tăng cao thì cũng nên xem xét mở công suất ở mức cao, còn thời điểm thấp thì khai thác ở mức duy trì thôi.
Quỹ bình ổn vẫn là vấn đề gây tranh cãi thời gian vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng nên để, có ý kiến lại đề xuất bỏ. Ông nghĩ thế nào khi gắn với thực tế hiện nay?
- Trong lúc khó khăn này chúng ta phải sử dụng quỹ là đầu tiên. Cũng như người lao động mất việc làm thì phải chi trả quỹ thất nghiệp. Xăng dầu tăng lên thì phải dùng quỹ dự phòng để hỗ trợ giảm giá, bình ổn giá. Thời điểm này thì đương nhiên không có hoạt động trích lập khoản phí vào quỹ.
Trong thời điểm đang còn quỹ thì chúng ta phải sử dụng, nhưng khi chúng ta thấy thực hiện được việc mở cửa rộng rãi với hoạt động kinh doanh xăng dầu, sự cạnh tranh tương đối rộng với nhà cung cấp thì chúng ta cũng phải thực hiện cơ chế thị trường, tuân thủ giá trong nước theo giá thế giới.
Như thế mới hạn chế các yếu tố tiêu cực khác như giá xăng dầu quá cao hay quá thấp đều có thể tiềm ẩn buôn lậu.
Trong những bối cảnh diễn ra bất thường như tăng cao hiện nay thì sử dụng công cụ Nhà nước như thuế, đó là công cụ lâu dài phải duy trì và điều chỉnh.
Xin cám ơn ông!
Xem xét hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp
Bên lề hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho biết gói kích thích, phục hồi kinh tế cần hướng tới tổng cung tổng cầu. Chính sách tài khóa phải tìm giải pháp để chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm xuống, kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên cụ thể ở những lĩnh vực nào thì cần tính toán.
Theo ông Cường, chi phí đầu vào của doanh nghiệp hiện nhiều khâu từ nguyên vật liệu đến thành phẩm. Tập trung ở khâu nào để hỗ trợ được sẽ tính toán một cách tổng thể.
Vấn đề này ông Cường cho biết, nằm trong gói kích thích và phục hồi kinh tế lớn mà Chính phủ đang nghiên cứu xem xét. Tới đây sẽ có những giải pháp tổng thể. Khi Chính phủ xây dựng xong Ủy ban sẽ thẩm định.
Giá xăng tăng ảnh hưởng phục hồi kinh tế sau đại dịch
Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính cho rằng giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch hiện nay.
Theo ông Lâm, giá đầu vào tăng thì giá đầu ra tăng, cầu sẽ giảm. Những yếu tố tăng trưởng, phát triển của ta bị ảnh hưởng. Tuy nhiên điều hành cần phải tổng thể giải pháp, có nhiều cung cụ linh hoạt để điều tiết nền kinh tế, vận dụng hài hòa từng điều kiện và bối cảnh.
Ông Lâm cũng cho rằng còn nhiều dư địa giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như chính sách tiền tệ, hỗ trợ thuế phí...
Theo Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn – 27/10/2021
Link gốc