Phú Thọ đã có 566 ca mắc Covid-19. Lãnh đạo địa phương này vừa chỉ đạo xử lý trách nhiệm việc thực hiện kết thúc cách ly y tế với F2 không đúng, gây ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, tính từ ngày 14/10 đến sáng 29/10, địa phương đã ghi nhận tổng số 566 ca mắc Covid-19 tại TP Việt Trì (347 ca tại 21 xã, phường), thị xã Phú Thọ (14 ca tại 2 xã); huyện Lâm Thao (116 ca tại 11 xã, thị trấn); huyện Phù Ninh (78 ca tại 9 xã, thị trấn); huyện Tam Nông (7 ca tại 3 xã); huyện Cẩm Khê (một ca tại một xã); huyện Hạ Hòa (một ca tại một xã) và huyện Thanh Thủy (2 ca tại 2 xã).
F0 đủ điều kiện cho phép điều trị tại nhà
Trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường, Ban chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành, thị phân loại, cho phép điều trị tại nhà đối với các trường hợp F0 đủ điều kiện (đã tiêm vaccine, không có triệu chứng).
Một trạm y tế lưu động trên địa bàn TP Việt Trì (Ảnh: CDC Phú Thọ).
Với 50 trường hợp F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà, toàn tỉnh Phú Thọ đã kích hoạt 5 trạm y tế lưu động tại xã/phường Kim Đức, Chu Hóa, Thanh Đình, Vân Cơ, Thọ Sơn - TP Việt Trì để đảm bảo người bệnh điều trị tại nhà được tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại xã, phường; chăm sóc, theo dõi các ca F0 tại nhà, giúp họ tiếp cận với các "túi thuốc an sinh" điều trị F0 tại nhà và được hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, mô hình trạm y tế lưu động tại TP Việt Trì bước đầu đã giảm tải được áp lực cho tuyến trên trong việc điều trị và chăm sóc các trường hợp F0 tại nhà cũng như hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ các trường hợp F0, F1, trường hợp nghi nhiễm. Mô hình này được coi là "cánh tay nối dài" của ngành y tế để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân tại nhà.
Bức xúc vì chưa thực hiện đúng việc kết thúc cách ly F2
Ông Hồ Đại Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - vừa ký văn bản gửi Sở Y tế và UBND các huyện, thành, thị yêu cầu thực hiện kết thúc cách ly y tế đối với các trường hợp F2 khi đủ điều kiện.
Theo đó đã có một số doanh nghiệp, người dân trên địa bàn phản ánh việc chưa thực hiện đúng, kịp thời việc kết thúc cách ly y tế đối với các trường hợp F2 đủ điều kiện.
"Tình trạng trên gây khó khăn cho các doanh nghiệp do thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa, khôi phục kinh tế; gây bức xúc cho người lao động ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập" - lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chỉ rõ.
Tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho người dân (Ảnh: Hiền Nguyễn).
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm RT-PCR bằng mẫu đơn cho các F1 vào các ngày 1, 3, 7, 14 kể từ ngày tiếp xúc với yếu tố nguy cơ. Ngay sau khi có kết quả, các đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR phải trả lời bằng văn bản đến các trung tâm y tế cấp huyện có liên quan để thông báo đến UBND cấp xã bằng văn bản biết, thực hiện kết thúc cách ly y tế đối với các F2 đủ điều kiện theo quy định.
UBND các huyện, thành, thị được yêu cầu chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi, quản lý chặt chẽ danh sách các F1, F2 trên địa bàn; cập nhật kết quả xét nghiệm hàng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời. Ban hành quyết định kết thúc cách ly y tế đối với các trường hợp F2 đủ điều kiện để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sớm trở về trạng thái thích ứng an toàn.
"Yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện. Trường hợp nào thực hiện không nghiêm, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm" - ông Hồ Đại Dũng nhấn mạnh.
Tăng tỷ lệ và tần suất xét nghiệm cho người lao động
Sở Y tế tỉnh Phú Thọ vừa đề nghị Sở Công thương, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp của tỉnh Phú Thọ và UBND các huyện chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chung cư/chủ nhà trọ cho người lao động trên địa bàn/thuộc thẩm quyền quản lý điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tần suất và đối tượng xét nghiệm định kỳ hàng tuần thực hiện xét nghiệm cho tối thiểu 30% người lao động, tập trung vào những nhóm nguy cơ (thường xuyên di chuyển tới nhiều địa phương, tiếp xúc nhiều đối tác...). Khuyến khích tăng tỷ lệ và tần suất xét nghiệm cho người lao động xét nghiệm tối thiểu 3 ngày/lần bằng test nhanh đối với tất cả người lao động đến từ các xã, phường, thị trấn có mức nguy cơ ở cấp độ 3.
Xét nghiệm ngay bằng test nhanh cho những trường hợp xuất hiện triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, khó thở...) và chuyển ngay tới khu vực cách ly tạm thời, đồng thời thông báo ngay tới cơ sở y tế địa phương để xử trí theo quy định. Rà soát lại toàn bộ người lao động trong đơn vị chưa được tiêm vaccine để đăng ký tiêm sớm trong những đợt tiếp theo…
Thế Kha/dantri.com.vn - 29/10/2021
Link gốc