Cập nhật: 30/10/2021 14:04:00
Xem cỡ chữ

Dự báo từ nay đến cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ diễn ra ngày càng phức tạp hơn.

Trong bối cảnh xã hội dần bước sang trạng thái “bình thường mới”, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu tiếp tục có diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, 9 tháng năm 2021, các lực lượng đã phát hiện 100.000 vụ việc, giảm gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những vụ việc phức tạp có dấu hiệu hình sự, khởi tố lại tăng với 1.615 vụ án khởi tố hình sự, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đánh giá, thời gian qua, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả nắm bắt công nghệ rất nhanh. Khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ, họ dễ dàng sao chép chỉ trong 1 thời gian ngắn. Trong khi đó, luật và chế tài xử lý hàng giả còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe khiến các đối tượng kinh doanh hàng giả cảm thấy rủi ro.

“Doanh nghiệp đang rất vướng trong xác định xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Với sản phẩm có thương hiệu là “nhựa Tiền Phong”, nhưng đối tượng chỉ cần thêm 1 chữ nào đó trước hoặc sau chữ “nhựa Tiền Phong”thì lại không còn là hàng giả nữa, mà bị quy ra là xâm phạm quyền”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Hàng giả xuất hiện trên thương mại điện tử rất nhanh, ngay cả thuốc Covid-19 vừa chính thức đưa ra thị trường đã có ngay hàng giả. Ảnh: dms

Hàng giả xuất hiện trên thương mại điện tử rất nhanh, ngay cả thuốc Covid-19 vừa chính thức đưa ra thị trường đã có ngay hàng giả. Ảnh: dms

Đại diện Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng cho hay, để xác định được xâm phạm quyền, các thủ tục rất nhiêu khê. Doanh nghiệp nếu theo đuổi được các vụ kiện cũng rất tốn kém công sức, thời gian, tiền bạc. Do đó doanh nghiệp đề nghị nên xây dựng văn bản hoặc quy định nào đó để xác định rõ ràng được việc xâm phạm quyền là như thế nào…

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Lào Cai, thời gian qua, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng hóa buôn lậu vào hàng hóa khác. Các đối tượng vi phạm cũng tăng cường lợi dụng thương mại điện tử buôn lậu hàng giả, gian lận nguồn gốc xuất xứ.

“Có những vụ việc được phát hiện qua kênh thương mại điện tử, nhưng khi lực lượng điều tra lại phát hiện hàng hóa được các đối tượng tập kết ở cách đường biên giới 1 km nên rất khó khăn trong xử lý. Dự báo, tình hình buôn lậu cuối năm sẽ diễn biến phức tạp khi mở cửa nền kinh tế trở lại”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Đánh giá về hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu thời gian qua, bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tỷ lệ vụ việc giảm do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giãn cách xã hội ở một số địa phương; đồng thời do tăng cường kiểm soát biên giới cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng.

Tuy nhiên theo bà Thuỷ, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu thông qua lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng có xu hướng gia tăng. Hàng giả xuất hiện trên thương mại điện tử rất nhanh, ngay cả thuốc Covid-19 vừa chính thức đưa ra thị trường đã có ngay hàng giả.

“Theo số liệu của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, các mặt hàng chủ yếu nổi lên là khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19 và các thiết bị phục vụ phòng chống dịch, găng tay y tế đã qua sử dụng… Tình hình đặc biệt phức tạp ở Hà Nội và TP.HCM”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Nền kinh tế đang từng bước mở cửa trở lại, sản xuất kinh doanh được khôi phục sau giai đoạn giãn cách kéo dài tại nhiều địa phương. Dự báo từ nay đến cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ diễn ra ngày càng phức tạp hơn. Do đó, bà Thủy lưu ý nhiều đến khả năng hàng tồn, hàng kém chất lượng sẽ được đưa vào thị trường, có nguy cơ tẩy xóa date, đồng thời vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề cần lưu tâm.

Lực lượng QLTT kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận xuất xứ. Ảnh: dms.

Lực lượng QLTT kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận xuất xứ. Ảnh: dms.

Không chỉ buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả mà tình trạng gian lận xuất xứ cũng diễn biến phức tạp thời gian qua. Ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nhiều doanh nghiệp tìm cách hưởng ưu đãi thuế quan với xuất xứ hàng hoá Việt Nam. Hành động này khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Xuân Khương cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều biện pháp ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ, bảo vệ nhà sản xuất trong nước, đảm bảo xuất xứ của Việt Nam.

Cụ thể từ năm 2019 đến nay, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị hướng dẫn và triển khai đồng bộ các giải pháp. Cơ quan Hải quan chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ chủ động nghiên cứu văn bản quy định xuất xứ, xuất khẩu, nhập khẩu để xác định rủi ro cũng như các phương thức gian lận.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng thực hiện thu thập thông tin trong và ngoài nước, xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, giả mạo nhãn hiệu và rà soát giao dịch của 1 số công ty có kim ngạch cao bất thường.

“Năm 2021, cơ quan Hải quan đã xác định 15 nhãn hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, trong đó có các mặt hàng trọng điểm như: đồ thời trang, quần áo, giày dép, túi xách 1 số thương hiệu nổi tiếng. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, cơ quan Hải quan cũng xác định 1 số mặt hàng có nguy cơ cao như găng tay, khẩu trang…”, ông Khương dẫn chứng.

Được biết trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như các hiệp hội, ngành hàng làm rõ thủ đoạn gian lận xuất xứ, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN - Ngày 30/10/2021

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/cac-doi-tuong-san-xuat-kinh-doanh-hang-gia-nam-bat-cong-nghe-rat-nhanh-901577.vov