Tài sản ròng của Trung Quốc đã tăng từ 7.000 tỷ USD năm 2000 lên mức 120.000 tỷ USD vào năm 2020 trong khi giá trị tài sản ròng của Mỹ chỉ tăng lên 90.000 tỷ USD.
Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn tư vấn quản lý McKinsey & Co, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia giàu nhất thế giới với tài sản ròng ước tính 120.000 tỷ USD. Tuy nhiên, việc giá trị tài sản ròng tăng cao phần lớn xuất phát từ giá bất động sản tăng chóng mặt đặt ra nguy cơ khủng hoảng tài chính và phát triển không bền vững.
Trong báo cáo đánh giá tình hình tài chính toàn cầu công bố hôm 16/11, tính đến năm 2020, giá trị tài sản ròng của thế giới đã tăng lên 514.000 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với mức 156.000 tỷ USD của năm 2000. Điều bất ngờ nhất là Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia giàu nhất thế giới với tài sản tăng gấp 17 lần trong 20 năm qua, chiếm tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn này.
Theo đó, tài sản ròng của Trung Quốc đã tăng từ 7.000 tỷ USD năm 2000 lên mức 120.000 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, giá trị tài sản ròng của Mỹ chỉ tăng hơn gấp đôi, lên 90.000 tỷ USD do giá bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với Trung Quốc.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm nhất là cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tài sản ròng của Trung Quốc vượt Mỹ nhưng chỉ dựa vào giá bất động sản, những thứ không làm ra của cải vật chất thực sự sẽ là không bền vững.
Theo chuyên gia Simon Baptist, Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu (EIU), Trung Quốc có thể phải mất hàng chục năm nữa mới có thể theo kịp Mỹ về mức độ giàu có tính theo GDP trên đầu người. “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc có thể đạt được mức GDP trên đầu người, hay nói cách khác là mức độ giầu có ngang bằng với Mỹ trong vòng 50 năm tới. Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ vẫn là quốc gia giàu có về thực chất hơn rất nhiều so với Trung Quốc”, chuyên gia này nói.
Mặc dù giá trị tài sản ròng của thế giới tăng lên theo như đánh giá của một số chuyên gia tài chính thì “chưa bao giờ chúng ta lại giàu như hiện nay”, nhưng hơn 2/3 số tài sản lại do số ít 10% hộ gia đình giàu có nhất nắm giữ với tỷ trọng ngày càng tăng, cả tại Mỹ và Trung Quốc. Giá trị tài sản ròng tăng mạnh trong 2 thập kỷ qua cũng vượt xa mức tăng của tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, xuất phát từ việc giá bất động sản tăng chóng mặt do lãi suất giảm, với 68% giá trị được lưu trữ trong đó.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, mô hình tăng trưởng này có thể mang lại nhiều điều tiêu cực hơn là tích cực. Giá trị bất động sản trong những năm qua đã tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại châu Á đã khiến nhiều người không thể mua được cho mình một căn nhà. Việc bất động sản tăng chóng mặt cũng làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính như bong bóng nhà đất đã tàn phá nước Mỹ năm 2008-2010.
Các xu hướng gần đây xuất hiện từ Trung Quốc cũng đáng báo động, khi giá bất động sản tăng cao dẫn đến doanh số bán hàng thấp hơn và nhiều tập đoàn phát triển bất động sản lớn đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, ví dụ như trường hợp của Tập đoàn Evergrande. Chuyên gia phân tích kinh tế Xiu Yu của Wall Street Journal cho rằng, Evergrande đã vay rất nhiều tiền và nhiều khả năng không thể trả được các khoản nợ đến hạn.
“Evergrande là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Số lượng bất động sản mà tập đoàn này bán ra luôn đứng hàng đầu. Nếu tập đoàn này sụp đổ sẽ dẫn tới cuộc khủng hoàng đối với toàn ngành bất động sản Trung Quốc. Giới chuyên gia lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể phát triển với tốc độ nhanh như những năm trước đây”, chuyên gia Xiu Yu đánh giá.
Giải pháp lý tưởng để thế giới trở nên thực sự giàu có và thịnh vượng hơn là phải là đầu tư hiệu quả để tăng trưởng GDP toàn cầu. Trong trường hợp xấu nhất, nếu bong bóng bất động sản ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc sụp đổ thì thế giới sẽ mất tới một phần ba số của cải hiện nay./.
Theo Vũ Hợp/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/trung-quoc-vuot-my-tro-thanh-nuoc-giau-nhat-the-gioi-905683.vov