Mất ngủ là ngủ ít hơn bình thường của chính người đó trên 2 giờ mỗi ngày thì được gọi là mất ngủ.
Mất ngủ tiên phát được định nghĩa là mất ngủ trên 1 tháng, không kèm theo triệu chứng gì khác, không phải là hậu quả của một bệnh cơ thể, một chất hoặc một bệnh tâm thần khác.
1. Khái niệm về giấc ngủ
- Ngủ là một phần rất quan trọng của con người. Chúng ta dành tới 1/3 cuộc đời để ngủ.
- Khi ngủ, các cơ quan được nghỉ ngơi, não có thời gian thải trừ các chất độc và chuyển trí nhớ gần thành trí nhớ xa.
- Một người khỏe mạnh cần ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Thời gian ngủ giảm dần theo lứa tuổi.
2. Phân loại mất ngủ
- Căn cứ vào thời điểm mất ngủ, chia làm 4 loại:
- Mất ngủ đầu giấc: là khó vào giấc ngủ. Bệnh nhân đã lên giường nằm nhưng phải sau vài tiếng họ mới ngủ được. Loại mất ngủ này hay gặp ở người trẻ.
- Mất ngủ giữa giấc: là họ thức dậy lúc nửa đêm và phải vài giờ sau họ mới ngủ lại được. Loại này hay gặp ở người trung niên.
- Mất ngủ cuối giấc: là họ dậy rất sớm (tầm 2-3 giờ sáng) và không sao ngủ lại được. Loại này hay gặp ở người cao tuổi.
- Mất ngủ toàn bộ: là họ không ngủ được tí nào trong 24 giờ vừa qua.
- Theo nguyên nhân: Mất ngủ được chia làm mất ngủ tiên phát và mất ngủ thứ phát do một bệnh cơ thể, một chất hoặc do rối loạn tâm thần.
Khó vào giấc ngủ và hay thức giấc là dấu hiệu của mất ngủ tiên phát
3. Đặc điểm lâm sàng của mất ngủ tiên phát
- Mất ngủ tiên phát được đặc trưng bởi hai dấu hiệu: Khó vào giấc ngủ và hay thức giấc, thường gặp ở tuổi trung niên, nhưng cũng có thể gặp ở tuổi thanh niên hoặc tuổi già. Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc, đi nằm ngủ như bình thường, nhưng nằm mãi mà không ngủ được.
- Bệnh nhân cũng có thể mất ngủ giữa giấc, ngủ được đến 2-3 giờ sáng thì thức giấc. Sau đó, phải mất đến 1-2 giờ họ mới ngủ tiếp được; Mất ngủ cuối giấc biểu hiện bằng giấc ngủ kéo dài đến khoảng 1-2 giờ sáng thì họ thức giấc và không sao ngủ lại được. Mất ngủ hoàn toàn (bệnh nhân không hề ngủ được trong 24 giờ) hiếm gặp trong mất ngủ tiên phát. Chúng có thể là hậu quả của mất ngủ đầu giấc, giữa giấc hay cuối giấc.
Họ thèm được ngủ, khó chịu vì người khác ngủ được mà mình thì không. Mọi tiếng động nhẹ đều được họ cảm nhận rất rõ ràng. Bệnh nhân luôn tìm cách để ngủ được như tắm nước nóng, tập thư giãn, thay đổi chỗ ngủ... Đều không kết quả. Mất ngủ tiên phát có nguyên nhân thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này không quá trầm trọng như trong bệnh trầm cảm, nên bệnh nhân chỉ có triệu chứng mất ngủ mà không có thêm bất kỳ triệu chứng nào khác.
- Hầu hết các trường hợp mất ngủ tiên phát xuất hiện đột ngột sau khi có yếu tố tâm lý, xã hội hoặc stress. Mất ngủ tiên phát thường bền vững sau khi các nguyên nhân gây mất ngủ đã được giải quyết. Mất ngủ tiên phát thường kéo dài vài tháng nhưng cũng có khi kéo dài hàng năm. Nếu không được điều trị, bệnh có thể kéo dài suốt đời.
Để điều trị mất ngủ tiên phát cần phải dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng kết hợp với một số loại thuốc an thần mới
4. Điều trị
Có nhiều loại thuốc được khuyên dùng như bình thần benzodiazepin (diazepam) hoặc non-benzodiazepin (stilox), thuốc ngủ (phenobacbital), thuốc kháng histamin (promethazin). Nhưng tất cả đều không có kết quả với mất ngủ tiên phát và chỉ sau 1-2 tuần điều trị thì các thuốc trên sẽ mất hiệu quả.
Để điều trị mất ngủ tiên phát cần phải dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng kết hợp với một số loại thuốc an thần mới
Thời gian điều trị mất ngủ tiên phát tối thiểu là 18 tháng liên tục. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân cần điều trị suốt đời.
Nên khám và điều trị đúng bác sĩ chuyên khoa tâm thần, không nên tự ý mua thuốc điều trị tránh nghiện thuốc hoặc các tác dụng không mong muốn khác.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/mat-ngu-tien-phat-nhan-biet-va-dieu-tri-169211116220727737.htm