Biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) tiếp tục lây lan rộng ra toàn cầu kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 24/11/2021 tuyên bố đây là một “biến thể gây lo ngại”.
Sau khi người ta phát hiện ra virus Omicron ở vùng phía nam của châu Phi, các nhà khoa học toàn thế giới đang chạy đua nghiên cứu để xác định mức độ lây nhiễm và khả năng gây tử vong của biến thể này, cũng như xác định xem liệu các cách điều trị và vaccine hiện nay có hiệu quả trước virus mới đó hay không.
Triệu chứng
WHO và cộng đồng khoa học toàn cầu đã tỏ ra thận trọng trước việc vội đưa ra kết luận về virus mới sau khi 2 chuyên gia y tế Nam Phi tuyên bố rằng các triệu chứng của Omicron cho đến nay vẫn ở mức nhẹ: ho khan kiểu cúm, sốt, đổ mồ hôi về đêm, và đau nhức cơ thể.
Tốc độ lây lan nhanh nguy hiểm
Biến thể Omicon – còn gọi là B.1.1.529, đã xuất hiện ở ít nhất 24 nước kể từ khi lần đầu có báo cáo về virus từ Nam Phi. Cơ quan y tế công cộng của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Omcrion bắt đầu bám chặt ở châu Á và có thể chiếm tới hơn một nửa số ca lây nhiễm ở châu Âu trong vài tháng nữa
Siết biên giới
Nhiều chính phủ đã phản ứng lại sự bùng phát của Omicron bằng việc thắt chặt kiểm soát biên giới. Các hạn chế đó đang gây ra thiệt hại cho ngành hàng không, tác động tiêu cực đến thị trường, và làm tổn hại các nền kinh tế vừa mới bắt đầu phục hồi sau thời kỳ phong tỏa do biến thể Delta của SARS-CoV-2.
Tình hình tại Nam Phi
Nam Phi đang cân nhắc thực hiện chính sách tiêm chủng bắt buộc để chống lại sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc Covid-19 mới sau khi phát hiện ra Omicron. Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của nước này cho biết, có vẻ Omicron đang nhanh chóng trở thành biến chủng áp đảo ở Nam Phi. Ngoài ra người ta cũng phát hiện có Omicron ở các nước Botswana, Zimbabwe cũng như Ghana và Nigeria ở Tây Phi./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch. Nguồn: SCMP
https://vov.vn/the-gioi/the-gioi-canh-giac-cao-do-khi-bien-the-omicron-cua-sars-cov-2-tiep-tuc-lay-lan-toan-cau-909945.vov