Từ câu chuyện hàng hóa ùn ứ, tồn đọng ở cửa khẩu biên giới Việt-Trung, theo Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, nên khuyến khích xuất khẩu chính ngạch vận tải theo đường biển và đường sắt.
Từ tháng 12/2021 tới nay, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện đã diễn ra tại nhiều cửa khẩu biên giới Việt-Trung, đặc biệt là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Trả lời phóng viên VOV thường trú tại Bắc Kinh, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cho rằng, bên cạnh việc điều tiết ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu, nên khuyến khích xuất khẩu chính ngạch vận tải theo đường biển và đường sắt.
PV: Thưa ông, hiện đang xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hoá ở biên giới Việt - Trung, vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính của hiện tượng này?
Ông Nông Đức Lai: Thời gian qua, hiện tượng ách tắc hàng hóa xuất hiện ở khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc, đây không phải là một vấn đề mới mà đã tái diễn trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên năm nay tình hình diễn ra nghiêm trọng hơn. Theo tôi, có hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, đây là giai đoạn cuối năm Dương lịch và giáp Tết Nguyên đán, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước rất cao nhằm phục vụ nhu cầu chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất trong năm của cả hai bên. Giống như Việt Nam, người dân Trung Quốc đặc biệt coi trọng dịp lễ truyền thống này, nhu cầu về một số mặt hàng thực phẩm tăng cao trong dịp tết, ví dụ như các sản phẩm có sắc đỏ như quả dưa hấu, thanh long hay các sản phẩm thủy sản (tôm, cua sau khi chế biến) luôn rất lớn.
Thứ hai, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp trong khu vực và trên thế giới, thời gian gần đây, Hải quan Trung Quốc nhiều lần phát hiện trên bao bì sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và xuất hiện ca nhiễm Covid-19 lây lan trong cộng đồng tại một số khu vực biên giới. Với việc kiên quyết duy trì chính sách “Zero-covid”, Trung Quốc liên tục tăng cường những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt khiến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với các quốc gia có chung đường biên giới nói chung và với Việt Nam nói riêng gặp khó khăn nhất định. Chính quyền Trung ương Trung Quốc trong những chính sách phòng chống dịch gần đây đã yêu cầu các địa phương cửa khẩu thực hiện các biện pháp quản lý biên giới, trong đó có quản lý hoạt động xuất nhập cảnh đối với con người và hàng hóa.
PV: Trước thực trạng như vậy, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã có những nỗ lực gì để thúc đẩy giải quyết tình hình này?
Ông Nông Đức Lai: Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh phối hợp với Chi nhánh Thương vụ tại Nam Ninh và Côn Minh thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình tại phía cửa khẩu Trung Quốc, kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến chính sách và hoạt động quản lý tại cảng/cửa khẩu của Trung Quốc đối với xuất nhập khẩu hàng hóa và có báo cáo sớm với những đề xuất cụ thể cho các cơ quan hữu quan Việt Nam nhằm kịp thời thông tin cho doanh nghiệp và đưa ra phương án hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc được thông suốt.
Ngoài ra, Thương vụ luôn giữ liên hệ mật thiết với cơ quan hải quan, các cơ quan quản lý thương mại trung ương phía Trung Quốc nhằm tích cực trao đổi thông tin, phản hồi ý kiến của Bộ ngành liên quan hai bên các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại nói chung và thuận lợi hóa thương mại tại cửa khẩu biên giới Việt – Trung nói riêng.
PV: Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để hạn chế tối đa thiệt hại do ùn tắc hàng hoá tại biên giới với Trung Quốc?
Ông Nông Đức Lai: Theo tôi, cần phải có những biện pháp căn cơ và lâu dài. Tuy nhiên, trước mắt, cần điều tiết lượng hàng hóa ngay từ đầu nguồn (từ các địa phương). Một mặt, giảm bớt hàng hóa đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới trong lúc này để giải phóng trước hàng hóa đang tồn đọng và vừa tránh tăng thêm ùn tắc hoặc điều tiết những loại hàng hóa có thể thông quan tại cửa khẩu một số địa phương ngoài Lạng Sơn, Quảng Ninh. Mặt khác, khuyến khích hàng hóa xuất khẩu có thể xuất khẩu chính ngạch chuyển sang vận tải theo đường biển. Ngoài ra, theo tôi, chúng ta cũng nên xem xét hình thức vận chuyển qua đường sắt, để tránh tập trung về các cửa khẩu đường bộ.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.
Theo Bích Thuận, Tuấn Đạt/VOV-Bắc Kinh
https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-sang-trung-quoc-nen-xem-xet-van-chuyen-hang-hoa-bang-duong-sat-va-duong-bien-post913908.vov