Cập nhật: 22/01/2022 12:14:00
Xem cỡ chữ

Việt Nam để lại nhiều dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021. Đây là thành tựu lớn của công tác đối ngoại, khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sáng 22/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự Hội nghị

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ngày 31/12/2021, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với nhiều dấu ấn quan trọng. Đây là thành tựu lớn của công tác đối ngoại, khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hội nghị Tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 để đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2 năm vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm; trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho các hoạt động của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng như cho công tác đối ngoại đa phương trong thời gian tới.

Với thông điệp xuyên suốt là “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”, Việt Nam đã tham gia HĐBA với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm cao, cân bằng, minh bạch, đề xuất nhiều sáng kiến, đóng góp thực chất vào công việc của HĐBA. Việt Nam đã thực sự thể hiện rõ tâm thế, bản sắc và bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời lan toả mạnh mẽ thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, nhân văn, trọng công lý và lẽ phải, đổi mới, năng động, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm vì hoà bình và phát triển bền vững trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cho biết 5 dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021.

Cụ thể, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ. Trong điều hành, xử lý các công việc chung, Việt Nam luôn thúc đẩy không khí đồng thuận, đối thoại, hợp tác, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Tiêu biểu là trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 01/2020, Việt Nam đã chủ trì Phiên thảo luận mở về tuân thủ Hiến chương LHQ, và thúc đẩy HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên về Hiến chương LHQ, góp phần đề cao giá trị và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử dựa trên Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Sự kiện này đã thu hút sự tham dự của 111 diễn giả là số lượng cao kỷ lục tại HĐBA, cho thấy Việt Nam đã lựa chọn “đúng” và “trúng” chủ đề, được đông đảo cộng đồng quốc tế hưởng ứng, ủng hộ. Tổng Thư ký LHQ đã đánh giá dường như “các nước bớt tranh cãi hơn” khi Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, trong đó có cả xử lý hậu quả xung đột, hướng tới phát triển lâu dài của quốc gia. Từ kinh nghiệm tái thiết đất nước của mình, Việt Nam đã hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến những hậu quả lâu dài của xung đột với cuộc sống của người dân và an ninh, phát triển của các quốc gia, trong đó có vấn đề bom mìn còn sót lại sau xung đột.

Trong vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Chủ tịch của HĐBA nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để chung tay giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh đối với an toàn và sinh kế của người dân, cộng đồng.

Việt Nam thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường bảo vệ thường dân trong xung đột, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em một cách thực chất. Việt Nam đã chủ trì thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 - Nghị quyết riêng đầu tiên của HĐBA về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột như trường học, bệnh viện, hạ tầng điện nước; được cả 15 nước HĐBA đồng bảo trợ...

Cũng xuất phát từ quan điểm nhân văn đó, Việt Nam luôn kiên định lập trường ủng hộ gia hạn cơ chế cứu trợ nhân đạo xuyên biên giới tại Syria cho dù đây là vấn đề gây tranh cãi, các nước có quan điểm khác nhau, nhất là các nước lớn.

Cùng với đó, Việt Nam nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa LHQ, HĐBA với các tổ chức khu vực trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, cũng như đề cao vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN tại HĐBA.

Trong vai trò Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của HĐBA về hợp tác với ASEAN, chủ động triệu tập cuộc họp của HĐBA về Myanmar vào ngày 30/4/2021 để Chủ tịch ASEAN thông tin cho HĐBA về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa diễn ra trước đó, khẳng định nỗ lực, vai trò trung tâm của ASEAN trong hỗ trợ ổn định tình hình ở Myanmar. Với những nỗ lực của Việt Nam, ASEAN đã tham dự và thông tin tại tất cả các cuộc họp của HĐBA về Myanmar.

Việt Nam đã chủ động đề xuất các giải pháp toàn cầu về nhiều vấn đề toàn cầu, nhất là xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh biển, ứng phó với dịch bệnh. Tại cuộc họp cấp cao của HĐBA về an ninh biển (8/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu sáng kiến thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do LHQ điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung, được rất nhiều đối tác hoan nghênh.

Về ứng phó với dịch bệnh Covid-19, tại cuộc họp HĐBA tháng 2/2021 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh kêu gọi bảo đảm tiếp cận vaccine cho tất cả các nước với giá cả phù hợp và ưu tiên cho nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao, bước đầu tạo cơ sở cho đẩy mạnh ngoại giao vaccine.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp rất thiết thực khác như đề xuất sáng kiến Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, khởi xướng thành lập Nhóm Bạn bè của Công ước Luật Biển và đặc biệt là đã tăng cường cử lực lượng tới các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ.

Nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện. Trước hết, đây là một bước đi góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả cũng như chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư.

Việc đảm nhiệm thành công vai trò này góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia- dân tộc, nhất là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam đã thúc đẩy được một số vấn đề có ý nghĩa chiến lược như tuân thủ và đề cao luật pháp quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò trung tâm của ASEAN, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tới vấn đề an ninh biển…

Nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước, thể hiện hình ảnh Việt Nam bản lĩnh, giữ vững nguyên tắc, nhưng mềm dẻo, linh hoạt, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, luôn đặt người dân vào trung tâm của phát triển. Qua nhiệm kỳ HĐBA LHQ, quan hệ giữa Việt Nam với nhiều nước được tăng cường và sâu sắc hơn.

Để phát huy thành công, kết quả đạt được của nhiệm kỳ HĐBA LHQ 2020-2021, Bộ Ngoại giao cũng đã kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng chính phủ những đề xuất cụ thể.

Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021.

Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh, năm 1941, để tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác Diễn ca “Mười chính sách của Việt Minh”, trong đó có 2 câu thơ: "Khuyên ai nên nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Hơn 80 năm trôi qua, ý nghĩa sâu sắc trong câu thơ giản dị của Bác vẫn còn nguyên giá trị, nhất là với các chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao. Nhiệm kỳ HĐBA LHQ 2020-2021 thành công cũng bởi chữ “đồng”. Đó là, “đồng chí hướng”, “đồng tình, đồng sức, đồng lòng” vì lợi ích quốc gia- dân tộc, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Ông cũng tin tưởng rằng, kết quả của nhiệm kỳ HĐBA LHQ sẽ góp phần quan trọng củng cố vững chắc niềm tin của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thế đi lên của đất nước; là một nguồn xung lực thôi thúc các ngành, các cấp quyết tâm, sát cánh cùng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp vào xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc tham gia Hội đồng Bảo an là mục tiêu phấn đấu của nhiều nước, bởi đây là cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cơ quan duy nhất có quyền hạn đặc biệt đưa ra các quyết định có tính ràng buộc pháp lý với 193 quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, những kết quả chúng ta đạt được là rất đáng tự hào. thúc đẩy thượng tôn pháp luật, cách hành xử đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.

Việt Nam đã cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an thảo luận, thông qua các biện pháp giảm căng thẳng, thúc đẩy để các bên đàm phán, tìm giải pháp bền vững đối với xung đột, điểm nóng ở các khu vực. Cùng với đó luôn đề cao tinh thần nhân đạo, lấy con người làm trung tâm, nỗ lực bảo vệ an toàn, tính mạng và sinh kế của người dân trong xung đột vũ trang, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể tác động tới các nỗ lực ứng phó với COVID-19, ủng hộ viện trợ nhân đạo, cứu trợ thường dân, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc “cây tre Việt Nam"

Chúng ta đã thực hiện thành công chủ trương giữ nước từ sớm, từ xa, kiên định mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, phục vụ phát triển, nâng cao vị thế đất nước; tận dụng sáng tạo trọng trách kép” tại Hội đồng Bảo an và ASEAN để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc, vai trò, tiếng nói của ASEAN; thu hút nguồn lực để xử lý vấn đề hậu quả chiến tranh, bom mìn ở Việt Nam; phát huy tốt vai trò tại Hội đồng Bảo an cùng với sự tham gia các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; thúc đẩy xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh biên.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương Tổ công tác liên ngành, với bộ phận thường trực là Bộ Ngoại giao cùng sự tham gia tích cực của Văn phòng Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; các cơ quan báo chí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền giúp tạo đồng thuận, củng cố niềm tin và tự hào trong nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên về chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Thủ tướng chỉ rõ những bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh phải luôn kiên định lập trường nguyên tắc về thúc đẩy hòa bình, độc lập dân tộc, chống chiến tranh, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và phát huy uy tín, vị thế ngày càng cao của đất nước, quan hệ rộng mở, tốt đẹp với tất cả các nước trên thế giới.

“Trong triển khai mọi hoạt động đối ngoại, cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, kiên định những mục tiêu, nguyên tắc lớn là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc” – Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó phải phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí thống nhất của toàn dân tộc, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tín nhiệm, hỗ trợ của các nước và bạn bè quốc tế. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của các Lãnh đạo cấp cao, sự đồng hành, phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng phải chuẩn bị từ sớm, công phu, bài bản về cả nội dung và lực lượng; vận dụng các kinh nghiệm và bài học thành công của nhiệm kỳ 2008-2009, đồng thời sáng tạo, đổi mới trong cách làm, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, luôn có phương án dự phòng tốt, không để bị động, bất ngờ; xử lý nhanh và kịp thời các vấn đề phức tạp các phát sinh, bảo đảm tốt yêu cầu đối nội và đối ngoại.

Vận dụng hiệu quả phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế; bám sát lập trường nguyên tắc sống luôn chủ động xử lý khôn khéo và linh hoạt các vấn đề phức tại Hội đồng Bảo an, hài hòa lợi ích và quan tâm chính đáng của các nước liên quan. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đa phương với đối ngoại song phương, tranh thủ hiệu quả các trọng trách đa phương để làm sâu sắc quan hệ song phương, tạo dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và yêu cầu triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động đối ngoại đa phương trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, môi trường, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ..., nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò, đóng góp, lồng ghép, phát huy các ưu tiên, sáng kiến tại các diễn đàn đa phương, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của Việt Nam trong quản trị toàn cầu và khu vực.

Tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải, tham gia định hình luật chơi tại các diễn đàn đa phương phù hợp với điều kiện cho phép, thông qua việc đăng cai các hội nghị quốc tế lớn, ứng cử và đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế; chủ động đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế và giá trị Việt Nam trong quan hệ với các nước.

“Tận dụng hiệu quả vị thế, uy tín đất nước đã có tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương với các nước, các tổ chức quốc tế; tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, công nghệ với các nước, nhất là các nước lớn trong bối cảnh COVID-19 cũng như nhìn xa hơn trong giai đoạn ổn định ngay sau đại dịch. Các hoạt động đối ngoại cần được triển khai trên cơ sở “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, hợp tác, hiệu quả và cùng phát triển”, tạo cơ sở tranh thủ nguồn lực quốc tế, góp phần thực hiện khát vọng phát triển bền vững đất nước, trước mắt ưu tiên cho tiếp cận, triển khai vaccine và thuốc đặc trị, tư vấn chính sách và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, triển khai ngoại giao khí hậu, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng, ngoại giao số” – Thủ tướng nói.

Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương, tiếp tục xây dựng, cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải quán triệt sâu sắc chủ trương của Đại hội XIII và Chỉ thị 05 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chủ động, xây dựng các kế hoạch để tăng cường sự tham gia của từng Bộ, ngành vào các cơ chế đa phương. Hệ thống các cơ quan đối ngoại, các cơ chế phối hợp cùng cần tiếp tục rà soát, kiện toàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp xử lý các nhiệm vụ chung trong triển khai tốt công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chú trọng công tác cán bộ với tinh thần “cán bộ là gốc của mọi công việc”; phải có phương án tăng cường nhân lực, đào tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cụ thể.

Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng công tác đối ngoại sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần thực hiện mục tiêu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tất cả vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước trong bối cảnh mới.

Từng cán bộ làm công tác đối ngoại, công tác ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả hết sức tích cực đã đạt được, nhất là trong năm 2020 và 2021 trong một bối cảnh hết sức khó khăn vừa qua, tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc “cây tre Việt Nam”, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Theo Vũ Khuyên/VOV

https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-hoan-thanh-thang-loi-nhiem-vu-uy-vien-khong-thuong-truc-hdba-lien-hop-quoc-post919945.vov