Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 98%. Tuy nhiên, đối với nhóm đối tượng là phụ nữ mang thai thì tỷ lệ tiêm chủng lại thấp, điều này đã khiến nhiều sản phụ mắc SARS-CoV-2 và có diễn biến khá nặng trong quá trình điều trị.
Bệnh viện Dã chiến số 2 - đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, thu dung và điều trị cho các bệnh nhân là sản phụ, trẻ em mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 11/2021 trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận trên 120 bệnh nhân là phụ nữ mang thai mắc SARS-CoV-2, trong đó khoảng 60 % trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ. Nhiều trường hợp trong quá trình điều trị có diễn tiến nặng buộc các bác sỹ phải can thiệp mổ lấy thai sớm so với dự kiến để đảm bảo tính mạng cho người mẹ và em bé. Một số trường hợp sau khi mổ đã phải chuyển tuyến trên để điều trị do tình trạng bệnh rất nặng.
Phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt, khi mắc SARS-CoV-2 sẽ rất dễ có những biến chứng, diễn biến nặng, suy hô hấp nhanh hơn những người bình thường vì thai phụ phải hô hấp cho cả thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy nhiều phụ nữ mang thai không tiêm vắc xin phòng Covid-19 do tâm lý lo ngại việc tiêm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Các bác sỹ khẳng định điều này không có căn cứ và phụ nữ mang thai phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt. Đặc biệt là những thai phụ càng mắc bệnh nền như bệnh tiểu đường, cao huyết áp… thì càng nên tiêm vắc xin vì tiêm vắc xin sẽ giảm diễn tiến nặng.
Hiệu quả lớn nhất của vắc xin phòng Covid-19 là hạn chế những trường hợp chuyển biến nặng và tử vong. Đối với thai phụ, vắc xin còn có vai trò quan trọng hơn nữa vì khi mang thai nếu mắc Covid-19 nguy cơ diễn tiến nặng cao hơn, giống như một người mắc bệnh nền. Vì vậy, trong chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022, sở Y tế sẽ quyết liệt chỉ đạo công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt là tiêm cho phụ nữ mang thai và trẻ em./.
Thu Hoài