Nghiên cứu những ca nhiễm "Omicron tàng hình" sau khi nhiễm Omicron gốc cho thấy hầu hết những người tái nhiễm đều còn trẻ, không có trường hợp tái nhiễm nào trên 40 tuổi.
Hình ảnh mô phỏng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. (Ảnh: MedPage Today/TTXVN)
Hiện người dân trên thế giới đều đã biết tới biến thể Omicron - gây ra làn sóng lây nhiễm mới nhất dịch COVID-19, khiến số ca mắc mới tăng mạnh, kéo theo số người phải nhập viện tăng theo.
Trong khi đó, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn được gọi là "Omicron tàng hình", đang lây lan mạnh và trở thành chủ đạo tại nhiều nước, cũng đã và đang khiến thế giới "đau đầu."
Hiện "Omicron tàng hình" gây ra hơn 1/3 số ca nhiễm mới Omicron trên khắp thế giới. BA.2 cũng đã được ghi nhận tại hơn 80 quốc gia và toàn bộ 50 bang của Mỹ.
Trong báo cáo gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết BA.2 đang là biến thể chủ đạo tại 18 quốc gia.
Trước sự lây lan nhanh chóng của "Omicron tàng hình," một nhóm cố vấn kỹ thuật cho WHO đã đề nghị các cơ quan y tế công cộng theo dõi BA.2 như 1 biến thể Omicron riêng biệt.
BA.2 có rất nhiều đột biến và được gọi là "tàng hình" vì thiếu gene của biến thể Omicron gốc.
Vì vậy, kết quả xét nghiệm PCR phát hiện bệnh nhân nhiễm BA.2 giống như nhiễm biến thể Delta. Nghiên cứu ban đầu cho thấy BA.2 có khả năng lây lan cao hơn khoảng 30% so với biến thể Omicron gốc.
Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Nhật Bản tiến hành, dựa trên thí nghiệm với chuột lang, BA.2 có thể gây ra nguy cơ về y tế cao hơn.
Tuy nhiên, phân tích ban đầu ở Đan Mạch cho thấy tỷ lệ nhập viện do BA.2 không khác biệt so với biến thể Omicron - được cho là gây bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta.
Nghiên cứu tại Nam Phi cũng ghi nhận điều tương tự. Đặc biệt, vaccine có thể bảo vệ người dân không bị nặng.
Về nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch - nơi BA.2 đang chiếm thế chủ đạo trong số các ca mắc mới, cho rằng những người gần đây nhiễm biến thể Omicron hoặc Delta đều có thể nhiễm "Omicron tàng hình."
Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều và chủ yếu xảy ra ở những đối tượng chưa tiêm chủng và thường mắc nhẹ.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 140.000 bộ gene được giải trình tự khi Omicron là biến thể chủ đạo (từ tháng 11/2021 đến giữa tháng 2/2022) để tìm người có kết quả xét nghiệm dương tính lại trong khoảng từ 20-60 ngày sau khi đã bình phục. Kết quả là có tổng cộng 263 ca tái nhiễm, trong đó có 190 ca nhiễm "Omicron tàng hình."
Có 140 ca nhiễm "Omicron tàng hình" sau khi nhiễm Delta. Có 47 ca nhiễm BA.2 sau khi nhiễm Omicron gốc.
Nghiên cứu kỹ hơn những ca nhiễm "Omicron tàng hình" sau khi nhiễm Omicron gốc cho thấy hầu hết những người tái nhiễm đều còn trẻ, 30 người dưới 20 tuổi, không có trường hợp tái nhiễm nào trên 40 tuổi và 42 trong số 47 ca là chưa tiêm vaccine.
Hầu hết các ca tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ, 28 người biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, 5 người có triệu chứng vừa, giống như bị cúm. Không có người nào phải nhập viện hay tử vong.
Các nhà khoa học của Mỹ cho rằng hiện rất khó để có thể dự đoán "Omicron tàng hình" sẽ làm thay đổi số ca như thế nào vì dòng phụ BA.2 đang lây lan nhanh tại các cộng đồng có độ bao phủ vaccine khác nhau.
Một số chuyên gia cho rằng "Omicron tàng hình" sẽ không gây ra làn sóng lây nhiễm mới, song có thể làm chậm quá trình giảm số ca mắc mới tại một số khu vực.
Giới chức WHO nhấn mạnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các nước vẫn phải thận trọng. Vaccine và việc tiêm mũi tăng cường vẫn là "tấm khiên" bảo vệ thế giới khỏi kịch bản tồi tệ./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/omicron-tang-hinh-va-nhung-khac-bien-so-voi-bien-the-goc/774935.vnp