Việc điều chỉnh giá hàng hóa tăng là bất lợi, nhưng trước tình hình "căng thẳng" nguồn nguyên vật liệu đầu vào thì doanh nghiệp bắt buộc phải vận hành theo cơ chế thị trường.
Giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu tăng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Sau 7 lần giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh theo xu hướng tăng, các nhà cung cấp nguyên liệu lẫn đơn vị sản xuất kinh doanh đã đưa ra thông báo về kế hoạch tăng giá hàng hóa.
Mặc dù đánh giá sức mua trên thị trường duy trì ở mức thấp trong thời gian qua thì việc điều chỉnh giá hàng hóa tăng là bất lợi, nhưng trước tình hình "căng thẳng" nguồn nguyên vật liệu đầu vào thì doanh nghiệp bắt buộc phải vận hành theo cơ chế thị trường.
Cụ thể, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ, một số đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào như bao bì, hộp đóng gói, thức ăn gia súc... đều đã thông báo kế hoạch tăng giá dao động từ 10-20%.
Với kế hoạch điều chỉnh giá của các đối tác này thì Vĩnh Thành Đạt đang chịu lỗ từ 100-200 đồng/quả trứng khi đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng (trứng gà, trứng vịt).
Tương tự, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, không chỉ giá nguyên vật liệu, nhiên liệu mà ngay cả chi phí vận chuyển, giao nhận đều lần lượt được điều chỉnh tăng giá trong thời gian gần đây đã gây khó cho doanh nghiệp.
Cũng như những doanh nghiệp khác, Acecook Việt Nam nỗ lực vượt qua nhiều thách thức trong thời điểm này, nhưng cũng phải điều chỉnh giá bán tăng theo cơ chế thị trường, tùy theo chủng loại sản phẩm.
Ghi nhận ý kiến một số chuyên gia cũng cho thấy, mặc dù cả doanh nghiệp và người dân có sự chuẩn bị cho việc đón cơn bão giá mới trên thị trường hàng hóa tiêu dùng thiếu yếu dưới tác động của mặt hàng xăng dầu tăng giá, nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương có những cơ chế chính sách kịp thời bình ổn thị trường.
Đặc biệt, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiếu yếu biến động liên tục, nên cơ chế chính sách đã được thông qua thì cần có hiệu lực ngay lập tức sau khi ban hành, còn chờ thời gian áp dụng thì khó phát huy được hiệu quả như kỳ vọng của người dân.
Cụ thể, phân tích về tác động mặt hàng xăng dầu, ông Trần Quốc Hùng, CEO Viện Tài chính Quốc tế IIF tại Washington DC, Mỹ chỉ ra rằng, Việt Nam phải nhập ròng sản phẩm dầu như dầu lọc... nên giá dầu tăng trên thị trường thế giới sẽ kéo giá nhiên liệu ở Việt Nam tăng lên.
Điều này, làm tăng chí phí sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng của doanh nghiệp và chí phí tiêu dùng của người dân. Đối với Việt Nam, nếu giá nhiên liệu tăng 10% thì GDP giảm 0,5% và lạm phát tăng 0,4%.
Còn ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, chi phi xăng, dầu chiếm 25%, 30% và 40%, tùy loại phương tiện vận chuyển hàng hóa hay hành khách, tuyến cố định hay hợp đồng. Vì vậy, khi xăng, dầu tăng giá thì doanh nghiệp buộc phải tăng cước phí để đảm bảo hoạt động được duy trì ổn định.
Giá một số các mặt hàng hàng hóa như dầu ăn, đường, mì tôm... tăng mạnh kể từ đầu tháng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trước thực trạng giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục giải pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ và tăng cường thông tin chính thống, nhất là vấn đề tiêm vacine, xử lý F0/F1... để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như người lao động, người dân...
Mặt khác, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên khẩn trương có chính sách bình ổn giá thị trường từ đó định hướng và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn sản xuất kinh doanh.
Về phía nhà bán lẻ, nhằm chung tay trong công tác bình ổn thị trường, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục chạy luân phiên chương trình khuyến mãi, giảm giá và trợ giá cho người dân; trong đó, các kênh bán lẻ phổ biến triển khai chương trình bán hàng đồng giá đối với mặt hàng nông sản Việt như dưa hấu, thanh long, bưởi da xanh; giảm giá lên đến 50% dành cho nhóm đồ dùng nhà bếp...
Điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) công bố thực hiện giảm giá 3.000 sản phẩm nhu yếu cho người tiêu dùng. Cụ thể, thiết thực chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước tổ chức giảm giá mạnh đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm nhu yếu, áp dụng từ 17/3 đến hết ngày 30/3/2022.
Đại diện Saigon Co.op cho hay, Co.opmart và Co.opXtra phối hợp cùng các nhãn hàng Cholimex, Maggi, Simply, Neptune, Chin Su, Knorr, Liên Thành… thực hiện giảm giá từ 15-50% cho các sản phẩm dầu ăn, tương ớt, nước tương, nước mắm, đường, gạo, mì gói, hạt nêm... Thêm vào đó, các sản phẩm thực phẩm tươi sống được giảm giá ưu đãi từ 15-20% thịt lợn; thuỷ hải sản; rau củ, quả, trái cây...
Trong khi đó, từ nay đến hết ngày 29/3/2022, hệ thống LOTTE Mart khởi động chương trình "Thương hiệu lớn-Khuyến mãi lớn," áp dụng mức ưu đãi lên đến 50% dành cho đa dạng ngành hàng, gồm đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, sản phẩm thời trang... Bên cạnh đó, một số thương hiệu như Coca Coal, Pepsi, P&G, Unilever, Nissin... đều có sản phẩm tham gia chương trình này.
Khi đến mua sắm tại hệ thống LOTTE Mart, người tiêu dùng có thể tham gia Lễ hội kem với ưu đãi lên đến 37%. Hay những sản phẩm nhập khẩu trực tiếp với giá bán ưu đãi như dâu tây Hàn Quốc, cam Ai Cập, nho đen ngón tay ÚC, nấm kim châm Hàng Quốc...
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Minh Tâm, cư ngụ tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày hay lượng thực, thực phẩm nội địa cũng đã tăng giá đáng kể, nhưng không gây khó khăn cho người dân bằng một số mặt hàng như sữa, mì gói... Đối với những gia đình có con nhỏ, thì chi phí cho mặt hàng bỉm, sữa... bị điều chỉnh tăng giá thì ngay lập tức tác động đến đời sống và áp lực tài chính của người dân.
Đồng quan điểm, anh Quang Thắng, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, tính đến thời điểm này, mặt hàng xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng nhất định đến mọi gia đình, trong khi thu nhập và tìm việc làm của người dân đang gặp nhiều thách thức. Riêng đối với những gia đình đang ở thuê/trọ thì bài toán cân đối kinh tế gia đình và chi tiêu hàng ngày đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại trên địa bàn thành phố vẫn đang thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Vì vậy, các doanh nghiệp đã cam kết giữ giá hàng hóa trong danh mục hàng hóa bình ổn thị trường và sẽ nỗ lực không tăng giá đến cuối tháng 3/2022, cũng như được bán với giá thống nhất ở tất cả kênh phân phối, bán lẻ tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cũng cho biết thêm, tính đến thời điển này, nhiều nhà bán lẻ ở kênh phân phối hiện đại đã nhận được đề xuất điều chỉnh tăng giá của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, đến nay gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét điều chỉnh.
Mặt khác, những hệ thống phân phối này cũng đang rà soát, kiểm tra tính toán các yếu tố đầu vào. Trong trường hợp, các đề xuất có cơ sở, hợp lý thì mới được các bên phối hợp xem xét điều chỉnh lại giá bán và đảm bảo tuân thủ cơ chế thị trường./.
Theo Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhieu-nha-cung-cap-de-xuat-tang-gia-hang-hoa-tieu-dung-thiet-yeu/778718.vnp