Cập nhật: 26/03/2022 17:30:00
Xem cỡ chữ

Chiều 26/3, tại Trường Đại học Công nghệ GTVT, cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chính Minh, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan tổ chức Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV. Đây là lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc đăng cai hoạt động mang tầm cỡ quốc gia của học sinh, sinh viên toàn quốc đồng thời càng thêm ý nghĩa khi tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chính Minh.

Tới dự ngày hội có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Ngày hội Khởi nghiệp

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh; đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban ngành.

Phát biểu chào mừng tại ngày hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển KTXH quốc gia và các địa phương và khẳng định tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những cơ chế, chính sách thiết thực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Phấn khởi khi về dự ngày hội của học sinh, sinh viên toàn quốc và sự kiện này được tổ chức tại Vĩnh Phúc, vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, quê hương đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, cha đẻ của “khoán mười”, con người của tinh thần đổi mới, sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những cơ chế, chính sách cụ thể.

Với Đề án 1665 và Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên đã thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo; giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực, vượt qua thất bại để thành công; đồng thời ươm mầm nhiều dự án khởi nghiệp, hiện thực hóa đam mê, khát vọng của nhiều bạn trẻ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý cần tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp, ảnh hưởng tới hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo trong tất cả bộ, ban, ngành, địa phương, các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thanh niên, học sinh, sinh viên; Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp; Chú trọng nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp vào hoạt động dạy và học.

Tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong phân bổ nguồn lực hợp lý đối với các hoạt động khởi nghiệp; Tăng cường tác quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động dạy và học. Các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển KTXH theo hướng xanh và bền vững. Trung ương Đoàn cần có giải pháp tạo môi trường, tăng cường truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo.

Qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, cùng với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở đào tạo đã đạt nhiều kết quả khích lệ; đã hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp ở các cơ sở đào tạo trong cả nước, 50% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV; 50% các trường đại học, học viện có tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp, hng năm mỗi trường có khoảng từ 10 đến 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên tham dự các cuộc thi. 100% các Sở GD&ĐT có học sinh tham gia Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp. Một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại.

Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV sẽ diễn ra đến hết ngày 27/3 với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Phiên Đối thoại chính sách “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp cho HSSV - Vai trò của Nhà trường, Doanh nghiệp, Quỹ đầu tư và Địa phương; Diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV & Tiềm năng khởi nghiệp của HSSV theo nhóm ngành và Chung kết cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV./.

Ngọc Anh