Cập nhật: 09/04/2022 07:43:00
Xem cỡ chữ

Hệ thống phân phối bán lẻ vừa thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, vừa tạo điều kiện, tiền đề để các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực nâng sức cạnh tranh.

Nhìn vào bức tranh ngành bán lẻ những năm gần đây có thể thấy, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã khiến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp (DN) ngành bán lẻ bị sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, các DN bán lẻ đã có nhiều động lực hồi phục khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm và chi tiêu được đẩy mạnh phù hợp hơn với xu hướng tiêu dùng mới.

Thực tế khi hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi bởi dịch Covid-19, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đã khác nên bên cạnh chuyển đổi số, ngành bán lẻ cũng bắt kịp sự thay đổi của thị trường. Căn cứ vào từng thời điểm cũng như giai đoạn “bùng nổ” nhu cầu mua sắm với đa dạng các mặt hàng, từ thời trang, hóa mỹ phẩm đến trang trí nội thất, điện máy,…các nhà bán lẻ đã có chiến lược cung ứng cũng như phương thức phục vụ người tiêu dùng trong tình hình mới.

Hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Hoài Thanh, (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, mặc dù các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được phục vụ khách hàng tại chỗ, cùng nhiều hoạt động thương mại đã từng bước mở cửa trở lại, song gia đình chị gần như đã quen dần với việc mua sắm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

“Trong thời gian qua, gia đình tôi đã thay đổi thói quen chủ yếu mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến với tần suất và giá trị đơn hàng nhiều hơn. Kênh mua sắm trực tuyến ngày càng tiện lợi mỗi khi khách hàng có nhu cầu là có thể đặt hàng bất kể lúc nào, thanh toán qua chuyển khoản rất thuận tiện, hàng được giao tận nhà... từ đó làm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh”, chị Thanh bày tỏ.

Thực tế thời gian qua, dịch bệnh đã khiến hầu hết người dân đã chuyển dần thói quen mua sắm, từ trực tiếp sang trực tuyến. Giới chuyên gia trong ngành bán lẻ cũng khẳng định, trước sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ cần nắm bắt xu hướng để có thể chuyển mình nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đưa ra những chiến lược dài hơi để có thể đảm bảo sự phát triển ổn định trong ngành bán lẻ trong bối cảnh mới, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam cho rằng, các thương hiệu cần phải chú ý đến những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, song song với đó là những chiến lược về dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới.

“Các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị cần duy trì chặt chẽ các biện pháp về 5K để coi việc thực thi quy định này như một tiêu chuẩn của quá trình bình thường mới”, bà Trang lưu ý.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thời gian qua, các DN bán lẻ đã nỗ lực để thích ứng, như củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự; đổi mới phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình. Đáng chú ý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch bệnh, ngành bán lẻ đã đẩy mạnh hơn phương thức bán hàng đa kênh, trong đó kênh bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng.

“Các DN bán lẻ đã và đang nỗ lực chuyển mình để đáp ứng với xu thế mới của thị trường. Trong thời gian dịch bệnh, lượng hàng được mua trực tuyến tăng gấp nhiều lần so với trước dịch và tăng so với kênh bán hàng trực tiếp. Đây chính là động lực cho phát triển ngành này trong thời gian tới”, bà Hậu nêu thực tế.

Ngoài các yếu tố tích cực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các DN, nhà bán lẻ, thương nhân, tiểu thương... dù kinh doanh ở kênh bán lẻ nào cũng cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu để có phương thức kinh doanh, bán hàng phù hợp. Cụ thể là thời gian qua, các nhà quản lý đã nỗ lực xúc tiến việc đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối nước ngoài, với mục đích đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng quy mô thị trường cho hàng Việt, và trên thực tế, quá trình này đã đạt được những kết quả rõ nét.

Dù kinh doanh ở kênh bán lẻ nào cũng cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu để có phương thức kinh doanh, bán hàng phù hợp.

Theo như nhận xét của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc đưa hàng hóa trong nước vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững. Nhờ đó, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối toàn cầu.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài không chỉ thúc đẩy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống các DN cung cấp hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Trên thực tế, các DN cung ứng hàng hóa đều nắm rõ vấn đề này, song không phải DN nào cũng đáp ứng được những điều kiện, quy định. Khó khăn chủ yếu vẫn là do quy mô DN chi phối nguồn vốn và nguồn lực khiến mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, dẫn tới khó có thể cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hiện nay./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/doanh-nghiep-ban-le-bat-nhip-nhanh-voi-xu-huong-tieu-dung-moi-post935915.vov