Ngày 18 tháng 4 hằng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam. Đây là dịp để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về vấn đề khuyết tật và huy động sự hỗ trợ chung tay góp sức của xã hội quan tâm đến người khuyết tật.
Nâng cao nhận thức và lợi ích của người khuyết tật trong mọi mặt của đời sống như chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Giúp người khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng. Những năm qua, các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm, thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật, từ đó giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật ngày càng được cải thiện, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tự tin, tự lực vươn lên trong cuộc sống.
Vĩnh Phúc luôn chú trọng triển khai các hoạt động để thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, gồm: Trợ giúp pháp lý theo vụ việc, được tiến hành bằng các hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi có người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tại Hội Người khuyết tật các cấp, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý và phù hợp với điều kiện của địa phương.
Để nâng cao về nhận thức pháp lý cho người khuyết tật, các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý được tổ chức thông qua nhiều hình thức phù hợp như: cung cấp bảng thông tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật. Để giúp đỡ người khuyết tật, người nghèo khó, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc và các tổ chức thành viên như Hội Nông dân tỉnh, Hội phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... triển khai nhiều phong trào thi đua giảm nghèo, giúp cho người khuyết tật vượt khó. Qua đó, có những năm huy động được cả chục tỷ đồng để giúp đỡ các đối tượng.
Vĩnh Phúc hiện có gần 42.000 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các địa phương chủ động rà soát, nắm chắc danh sách đối tượng cần tư vấn, trợ giúp các địa phương trong việc tư vấn, trợ giúp; chủ động huy động các nguồn lực hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về mọi mặt… Thông qua nhiều biện pháp trợ giúp, đời sống của người khuyết tật ngày càng được cải thiện./.
Hồng Nụ