Hàng loạt trường hợp bỏng điện đau lòng khi đang làm việc, sinh hoạt khiến nạn nhân bị cắt cụt tứ chi, thậm chí cháy cả xương sọ, gia đình cũng lâm vào bi kịch.
Ngày 25/4 trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, khoa đang tiếp nhận điều trị cho hàng loạt bệnh nhân bị bỏng điện rất đau lòng.
Cụt tứ chi, bi kịch gia đình vì bỏng điện
Như trường hợp của chị B.T.B.T. (SN 1988, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Khai thác bệnh sử, khoảng 12h trưa ngày 11/4 vì con trai muốn ăn trái cây, chị T. cầm thanh sào bằng sắt để quơ hái xoài ở vườn nhà. Sau khi hái trái xoài đầu tiên, chị xoay sào sang hái trái thứ hai thì giơ trúng đường điện trần câu gần đó, khiến cả người bị giật nặng nề.
Chị T. bị điện giật nặng khi hái 2 trái xoài cho con (Ảnh: Hoàng Lê).
Vì vết thương của người phụ nữ quá nặng, Bệnh viện Cai Lậy (Tiền Giang) phải chuyển gấp chị T. lên tuyến trên trong tình trạng bỏng 32% vùng cổ, mông, tứ chi, hoại tử nặng. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xác định khả năng giữ tứ chi quá khó, nhưng vẫn cố gắng hết sức để giữ được phần cơ thể nào tốt phần đó.
Hai ngày sau nhập viện, 2 cẳng tay hoại tử sâu của bệnh nhân bị cắt cụt. Ngày 16/4, bệnh nhân bị đoạn chân phải, đến ngày 20/4 thì mất luôn chân trái.
"Bệnh nhân có 3 đứa con nhỏ, trong đó một đứa con bại não. Hai vợ chồng làm công nhân nên hoàn cảnh rất khó khăn. Giờ đây bệnh nhân đã cụt tứ chi không thể sinh hoạt, khi trở về nhà cũng cần có người phục vụ" - bác sĩ xót xa chia sẻ.
Bệnh nhân bị cắt cụt tứ chi, cuộc sống sau này sẽ rất khó khăn (Ảnh: Hoàng Lê).
Một trường hợp khác là anh V.V.K. (27 tuổi, quê An Giang) hiện vẫn đang điều trị tích cực sau 17 ngày nhập viện. Trước đó khi đang leo lên gác đòn tay sắt cho công trình xây dựng, anh K. bị đường điện cao thế gần đó phóng trúng. Rơi từ độ cao hơn 4 mét xuống đất, nam bệnh nhân bị dập lá lách nặng, phải phẫu thuật cắt bỏ lách.
Sau khi được đưa vào bệnh viện địa phương và chuyển tiếp đến Bệnh viện Chợ Rẫy, vì vết thương quá nặng, các bác sĩ đã cắt cụt bàn tay phải của bệnh nhân, cũng như xử trí cắt lọc vết thương các vùng hoại tử nặng. Tuy nhiên theo bác sĩ, khả năng lớn tay trái bệnh nhân cũng khó giữ.
Được biết, vợ chồng anh K. có 2 con nhỏ, trong đó con út mới vài tháng tuổi. Anh đã vay mượn gần 50 triệu đồng từ họ hàng, bà con hàng xóm để đóng tiền viện phí. "Mong muốn lớn nhất của tôi là khỏi bệnh về nuôi vợ, nuôi con" - anh K. chia sẻ rồi rơi nước mắt.
Anh K. đã bị cắt cụt bàn tay trái (Ảnh: Hoàng Lê).
Ở giường bên cạnh, anh N.T.E. (42 tuổi, quê An Giang), có lẽ là người "may mắn" nhất khi bị bỏng nặng một bên tay. Bệnh nhân cho biết khi đang vận hành máy nấu thép thì bị rò điện gây ra tai nạn.
Cần tuân thủ khoảng cách an toàn với đường điện
Bác sĩ Hiệp chia sẻ, từ sau khi TPHCM kết thúc giãn cách xã hội, lượng bệnh nhân nhập viện vì bỏng điện tăng cao. Nếu như trước dịch, bỏng điện chỉ chiếm 15% số lượng bệnh nhân của khoa thì hiện tại là hơn 25%. Một nửa trong số các bệnh nhân bị bỏng điện này phải cắt cụt chi.
Theo bác sĩ Hiệp, có hai cơ chế gây bỏng điện. Một là bỏng do tia lửa điện, thường nhẹ và thời gian điều trị ngắn. Thứ 2 là bỏng do luồng điện đi qua cơ thể, tỏa nhiệt và cháy từ bên trong. Bỏng loại này nặng và rất sâu.
Bỏng điện do tai nạn khi làm việc rất phổ biến (Ảnh: Hoàng Lê).
Khi luồn điện tiếp xúc cơ thể trên đường truyền trực tiếp, chỗ nào điện trở cao (như cổ tay, khủyu tay, nách, vùng gân cơ nhiều) thì tỏa nhiệt nhiều, những vị trí này thường bị cắt cụt chi. Đó là chưa kể các biến chứng như rung tim, rung thất do điện gây ra, làm bệnh nhân ngưng tim tử vong tại chỗ...
Về nguyên nhân, bệnh nhân ở khoa Phỏng bị bỏng điện phổ biến nhất là do tai nạn do xây dựng, sinh hoạt gần đường điện cao thế. Thứ hai là tai nạn treo bảng quảng cáo, kéo đường dây viễn thông. Một số trường hợp khác như câu cá gần đường điện, sửa điện sinh hoạt gia đình gặp nạn...
Bác sĩ khuyên người dân hãy tự bảo vệ mình trước những nguy cơ gây bỏng điện (Ảnh: Hoàng Lê).
Từ thực tế điều trị cho các bệnh nhân gánh hậu quả nặng nề, bác sĩ đề nghị các nhà thầu, người xây dựng, quản lý đường điện cần tuân thủ khoảng cách an toàn, trang bị bảo hộ đầy đủ cho người lao động. Đồng thời người dân, nhất là công nhân hãy chú ý bảo đảm an toàn cho bản thân khi làm việc gần đường điện.
"Ngay tại khoa, hiện có những trường hợp bỏng nặng đến nỗi cháy luôn cả xương sọ, ảnh hưởng vô não. Chỉ cần đội một chiếc nón bảo hộ tốt thì đã không đến nỗi tệ như thế" - bác sĩ Hiệp dẫn chứng.
Theo Hoàng Lê/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/gia-tang-bong-dien-nhieu-nguoi-bi-cat-cut-tay-chan-20220425153811525.htm