Cập nhật: 01/05/2022 10:30:00
Xem cỡ chữ

Theo chuyên gia, khi tình hình dịch bệnh đã tạm lắng, cùng với việc hầu hết các em đã tiêm phòng vaccine Covid-19, nhiều em đã mắc Covid-19 thì việc bật điều hòa và đeo khẩu trang khi ở trường của học sinh cũng nên điều chỉnh linh hoạt.

Tại hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các trường thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 1583 ngày 7/4/2020.

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương và trường học không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà. Không áp dụng giãn cách trong lớp học. Hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người…

Công văn 1583 cũng nhấn mạnh được sử dụng điều hòa trong lớp học. Cuối mỗi buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng; tăng cường thực hiện lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng và lớp học, nhà vệ sinh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Tuy nhiên, sau khoảng 1 tháng học sinh Hà Nội và tất cả các địa phương đi học trở lại, nhiều trường vẫn lo ngại và quy định học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang ở trường lớp, đặc biệt không được bật điều hòa. Thời tiết ngày càng nóng nực, việc bắt học sinh đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường lớp cùng với việc không được bật điều hòa trong lớp học đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của các em.

Ở một số trường, phụ huynh cũng đã có kiến nghị gửi Ban giám hiệu cân nhắc để bật điều hòa ở lớp học trong điều kiện thời tiết ngày càng nóng, đa số các em đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cũng như tỷ lệ các em đã mắc Covid-19 khá lớn thì nguy cơ lây nhiễm không đáng ngại so với nguy cơ các em mắc các bệnh về hô hấp hay các bệnh khác, nhưng nhiều trường vẫn kiên quyết quy định đã ban hành.

Nhiều trường quy định không được bật điều hòa.

Nhiều trường quy định không được bật điều hòa.

TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, tình trạng nhiều trường cấp 2-3 quy định không cho bật điều hòa trong lớp học và yêu cầu học sinh đeo khẩu trang cả ngày để phòng dịch là cách làm có phần còn máy móc.

Theo TS Bùi Lê Minh, mặc dù có bằng chứng khoa học cho thấy máy điều hòa có vai trò trong việc làm phát tán SARS-CoV-2 trong không gian phòng kín do tạo dòng khí lưu chuyển liên tục và làm tăng khả năng tiếp xúc của những người trong không gian giới hạn đó với virus thì mặt khác chúng ta cũng chưa có bằng chứng rõ ràng về mức độ thay đổi tốc độ lây truyền của virus như thế nào theo thể tích phòng kín, thời gian và nhiệt độ duy trì tình trạng phòng kín.

Thế nên, các hướng dẫn y tế hiện nay về việc sử dụng máy lạnh hay máy điều hòa cũng chỉ đề cập tới việc thiết bị này “có thể” làm virus phát tán nhanh hơn. Mặt khác, việc liên tục học trong môi trường nóng có thể khiến học sinh thấy mệt mỏi, khó chịu và có thể dẫn tới một số tình trạng bệnh lý do nhiệt độ môi trường cao, không những ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu bài giảng mà còn có thể ảnh hưởng tới thể trạng, sức khỏe của học sinh.

TS Bùi Lê Minh cho rằng, nếu cân nhắc kỹ những điểm thiệt-hơn của việc dùng điều hòa thì một số biện pháp sau có thể phù hợp hơn: Kết hợp việc bật điều hòa và sử dụng quạt máy, quạt trần. Các nghiên cứu cho thấy là việc phòng kín được trao đổi không khí trong vòng 15 phút là có thể thay thế hoàn toàn không khí trong phòng. Việc trao đổi không khí với bên ngoài làm “loãng” virus trong không khí là yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nên việc sử dụng hệ thống điều hòa theo chu kỳ, có thể 30 -60 phút bật tùy theo diện tích phòng và 15 phút chuyển sang quạt máy, mở cửa sổ có thể giúp học sinh thấy thoải mái hơn trong điều kiện thời tiết nóng mà vẫn không tăng đáng kể nguy cơ lây lan virus.

TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành)

TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành)

Cách thứ hai là bật điều hòa với chế độ quạt nhẹ và mở hé cửa sổ. Chế độ quạt nhẹ làm hạn chế việc xáo trộn không khí trong lớp, đồng thời chỉ mở hé một số cửa sổ sẽ giúp không khí liên tục có lưu thông với bên ngoài trong khi không ảnh hưởng nhiều tới việc duy trì nhiệt độ trong phòng học. Với cách này có thể kéo dài thời gian sử dụng điều hòa hơn nhưng vẫn cần có thời gian xen kẽ mở các cửa sổ để trao đổi hoàn toàn không khí.

“Dù với cách làm nào thì hệ thống điều hòa cũng cần được vệ sinh thường xuyên do virus bám lại trên các màng lọc có thể sẽ được phát tán trở lại không khí”- TS Bùi Lê Minh nhấn mạnh.

Cũng theo TS Minh, trong thời gian các em học ở trường, nếu để cơ nóng bức cùng với việc đeo khẩu trang thì mồ hôi, hơi ẩm do đeo khẩu trang kéo dài có thể làm bụi bám lại ở viền khẩu trang, hoặc thậm chí ở mặt trong khẩu trang khi khẩu trang bị lệch, lại làm tăng nguy cơ các em bị tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

“Vì thế, khi tình hình dịch bệnh đã tạm lắng, cùng với việc hầu hết các em đã tiêm phòng vaccine Covid-19, nhiều em đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh thì việc bật điều hòa và đeo khẩu trang khi ở trường của học sinh cũng nên điều chỉnh linh hoạt hơn. Chẳng hạn, có thể chuyển sang tùy chọn đeo khẩu trang với học sinh khi ở trong lớp học, không đeo khi tham gia các hoạt động thể chất và bắt buộc khi tập trung đông trong không gian hẹp như lúc đi học hay tan trường…”- TS Minh nói./.

Theo Phạm Hà/VOV.VN

 https://vov.vn/xa-hoi/khong-cho-bat-dieu-hoa-trong-lop-hoc-la-may-moc-post940871.vov