Bất kỳ ai cũng có thể gặp cơn chóng mặt bất thình lình ập đến kèm với cảm giác choáng váng, đầu óc quay cuồng, lảo đảo, mất thăng bằng… Các biểu hiện này có rất nhiều nguyên nhân, cần nhận biết và đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Nguyên nhân hoa mắt, chóng mặt
Hoa mắt và chóng mặt là hai biểu hiện của hai cảm giác khác nhau mà nhiều người thường lẫn lộn và gọi chung nên nhiều khi dẫn tới chẩn đoán sai bệnh.
Nguyên nhân gây hoa mắt
Hoa mắt là cảm giác đột nhiên người bệnh cảm thấy sắp té xỉu. Hoa mắt thường khỏi và được cải thiện khi bệnh nhân được nằm nghỉ ngơi. Nhiều trường hợp trầm trọng có thể làm bệnh nhân bất tỉnh. Người bệnh đôi khi có cảm giác buồn nôn, nôn.
-Vì thế hoa mắt, đầu óc quay cuồng đa số không phải là bệnh tật nghiêm trọng mà do huyết áp giảm, thay đổi tư thế đột ngột khiến lưu lượng máu tới não đột ngột. Ví dụ đang ngồi, nằm đột ngột đứng phắt dậy.
-Ngoài ra, bệnh do những nguyên nhân khác: cơ thể bị sốt, dị ứng, cảm cúm, sau khi ói mửa, tiêu chảy, sốt, cơ thể bị mất nước, thở sâu và nhanh, lo âu, căng thẳng, sử dụng thuốc lá, rượu bia và các loại chất gây ảo giác…
- Một nguyên nhân quan trọng nữa là mất máu gây ra thiếu máu. Nếu mất máu mà được xử trí kịp thời để cầm máu thì không sao, tuy nhiên có những trường hợp không dễ phát hiện được như: xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu nội tạng ... dễ gây ra thiếu máu. Ngoài ra, mất máu nhiều trong kỳ kinh cũng là một nguyên nhân gây hiện tượng hoa mắt.
- Những bệnh nhân có nhịp tim bất thường cũng có thể dẫn tới hoa mắt, bất tỉnh. Tuy hiếm gặp nhưng vẫn xảy ra. Vì vậy, những trường hợp bất tỉnh không giải thích được cần phải đi khám để được đánh giá, kiểm tra nhịp tim để điều trị.
Thường xuyên đau đầu, hoa mắt, chóng mặt có thể là biểu hiện của thiếu máu
Nguyên nhân gây chóng mặt
Chóng mặt là cảm giác khi người bệnh thấy vật thể xung quanh chuyển động, cảm giác bị xoay vòng vòng, có thể mất thăng bằng và té ngã. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ buồn nôn, nôn, gặp khó khăn khi đứng, di chuyển và có thể mất cân bằng và ngã.
-Nguyên nhân gây chóng mặt bao gồm: Viêm thần kinh tiền đình, rối loạn của tai trong, chấn thương tai, đau nửa đầu, chấn thương đầu…
-Nguyên nhân ít gặp hơn: do bướu nhỏ mọc phần phía sau màng nhĩ, u não hoặc ung thư di căn.
2. Ai dễ bị hoa mắt, chóng mặt và nguy cơ?
Hoa mắt, chóng mặt, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi tuy nhiên hay gặp nhiều nhất vẫn là người cao tuổi, người có sức khỏe yếu.
Hoa mắt, chóng mặt có thể làm bệnh nhân té ngã dẫn đến chấn thương, từ đó phát sinh thêm nhiều hậu quả đáng tiếc khác. Vì nỗi e ngại này, nên nhiều người cao tuổi luôn hạn chế các hoạt động của mình. Khi gặp hiện tượng này, người bệnh, nhất là người cao tuổi cần đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Hoa mắt, chóng mặt nếu kéo dài và không cải thiện có thể là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm như rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não hoặc các bệnh viêm tai giữa, huyết áp thấp, suy nhược thần kinh,…
3. Phòng tránh hoa mắt, chóng mặt
Cần có chế độ ăn hợp lý
-Uống đủ nước mỗi ngày, cần sổ sung thêm nước khi bị khát, khi cơ thể có cảm giác đầu nhẹ bồng bềnh hay vận động nhiều và khi trời nóng.
-Không nên ăn uống các loại thức ăn, đồ uống quá ngọt hay quá mặn vì sẽ làm tăng thể tích dịch của tai trong và cơ thể dễ dẫn tới chóng mặt, mất thăng bằng.
-Tránh dùng cà phê hay bia, rượu.
-Tránh ăn những loại thực phẩm có chứa acid amin tyramine như: Rượu vang đỏ, gan gà, thịt xông khói, sữa chua, chocolate, các loại hạt… vì nó có thể gây khởi phát bệnh đau nửa đầu có thể gây hoa mắt, chóng mặt
Nên bổ sung nước uống phòng hoa mắt, chóng mặt
Tránh một số chất có thể làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn tiền đình
-Tránh dùng thuốc kháng viêm không steroid như aspirin có thể làm ù tai hơn; Ibuprofen gây giữ nước, rối loạn điện giải; chất nicotine trong thuốc lá, gây biến chứng teo hẹp mạch máu làm tăng huyết áp, giảm máu đến vùng tai trong…
Tránh thay đổi tư thế đột ngột
Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nhất là từ tư thế nằm để đứng dậy hay ngồi dậy hay xoay đầu. Nên từ từ khi chuyển từ nằm sang ngồi, giữ nguyên tư thế trong 5-10 phút rồi mới từ từ đứng dậy. Luôn nhìn thẳng phía trước, giữ đầu không cúi xuống hay xoay đầu qua lại. Trong trường hợp nặng có thể phải đeo nẹp vòng cổ cố định để hạn chế cử động vùng đầu.
- Cố gắng nằm nghỉ ngơi trên giường, tránh ánh sáng chói vào mặt vì phần lớn các cơn chóng mặt, hoa mắt sẽ tự mất đi sau vài ngày đến vài tuần.
-Tránh lo lắng, căng thẳng tinh thần, hạn chế suy nghĩ, đọc sách, xem tivi. Tránh lái xe, điều khiển máy móc hay trèo thang.
Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng hệ tiền đình
Phục hồi chức năng hệ tiền đình giúp thăng bằng và giảm tái phát hoa mắt, chóng mặt về lâu dài. Những bài tập này thường được bác sĩ hướng dẫn tập. Cần nằm nghỉ 10 phút sau khi tập xong; Không tự lái xe về nhà; Trong tối thiểu 1 tuần, phải cố gắng giữ đầu thẳng đứng, tránh ngửa hay cúi đầu nhiều, tránh đứng lên- ngồi xuống; Sau một tuần thì có thể cử động bình thường lại nhưng phải từ từ và có người giúp đỡ hay theo dõi . Những bài tập phục hồi chức năng tiền đình được dùng cho cả người lớn và trẻ em.
Tóm lại, hoa mắt, chóng mặt có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau, vì vậy để điều trị hiệu quả người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị của bác sĩ chuyên môn tránh để những hậu quả đáng tiếc
Theo BS Văn Bàng/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/hoa-mat-chong-mat-nhan-biet-nguyen-nhan-de-xu-tri-va-phong-ngua-169220502173412259.htm