Đọc được lời quảng cáo chân thẳng tắp, đẹp như mơ sau tiêm collagen tươi, người phụ nữ ở Hà Nội bấm bụng chi 60 triệu đồng để khắc phục nhược điểm đôi chân vòng kiềng.
Ngày 6/5, TS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cho biết, đang điều trị cho trường hợp hy hữu lần đầu ông gặp, bệnh nhân bị biến chứng nghi tiêm filler để khắc phục đôi chân vòng kiềng.
"Trong y văn, chúng tôi chưa từng thấy có chỉ định tiêm thẳng chân bằng filler hay collagen tươi. Đây là trường hợp hi hữu", TS Hà nhấn mạnh.
BS Hà khám lại cho bệnh nhân sau khi ổ áp xe đầy mủ được giải quyết bằng kháng sinh.
TS Hà cho biết, trước đó 5 ngày, người phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội đến viện khám trong tình trạng viêm mô dưới da rất rõ, sưng đỏ dọc theo đường tiêm. Hình ảnh siêu âm cho thấy, bên chân được tiêm 2ml đã có ổ áp xe dọc bắp chân, bên còn lại được tiêm 1ml dần hình thành ổ áp xe.
"Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, giảm đau. Sau 5 ngày, tổn thương dần trở về bình thường, tuy nhiên bệnh nhân phải tiếp tục theo dõi và tiêm thuốc giải. Chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân được tiêm filler, nhưng để biết chắc chắn phải rạch vùng tiêm để xét nghiệm mô. Sáng 6/5, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm và tiêm thuốc giải chất làm đầy (filler). Hiện cũng chưa rõ bệnh nhân được tiêm chất liệu gì nhưng nếu đúng bệnh nhân được tiêm chất làm đầy thì thuốc giải mới có tác dụng", bác sĩ Hà nói.
Nữ bệnh nhân cho biết, vốn mặc cảm mang đôi chân vòng kiềng, váy không dám mặc, nên khi đọc được thông tin quảng cáo của một spa ở quận Cầu Giấy tiêm collagen tươi làm thẳng chân, chị đã bấm bụng chi 60 triệu đi làm.
"Một ngày sau tiêm, tôi đã cảm thấy đau nhức, hai bắp chân sưng diện rộng, tấy đỏ, không thể nhấc chân đi lại bình thường. Quá lo sợ, tôi vội đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám", nữ bệnh nhân chia sẻ.
TS Hà cho biết, trường hợp của bệnh nhân này nếu phát hiện và điều trị muộn, ổ áp xe trên bắp chân bệnh nhân sẽ lan rộng ra các vùng khác, phá hủy chân. Chưa kể tổ chức áp xe phá hủy mô, khiến chân bị lồi lõm. Nếu để quá chậm trễ, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong cũng có thể xảy ra. Di chứng nhẹ nhất, bệnh nhân cũng phải chịu một vết chích rạch để lại sẹo dài ở chân, gây mất thẩm mỹ.
TS Hà thông tin thêm, về cơ bản để làm thẳng chân không thể bằng thủ thuật tiêm. Thông thường, nếu bắp chân to có thể tiêm các chất botox (làm liệt cơ) để làm thon gọn. Còn bệnh nhân nếu bị cong chân liên quan đến xương thì không thể khắc phục bằng tiêm chất làm đầy.
Việc tiêm chất làm đầy không chỉ không có tác dụng, mà bệnh nhân còn đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, tắc mạch máu nếu làm ở những cơ sở không phép, người thực hiện không có kỹ thuật.
Liên quan đến biến chứng tiêm filler, mới đây bệnh viện cũng phối hợp với Bệnh viện Việt Đức can thiệp cho trường hợp bệnh nhân mất thị lực sau khi tiêm filler để nâng mũi.
Đây cũng là biến chứng nguy hiểm nhất khi tiêm filler ở các cơ sở không được phép, chất lượng không đảm bảo. Biến chứng xảy ra khi tiêm filler vào mạch máu, filler có thể theo mạch máu gây tắc mạch, tắc mạch não gây nhồi máu não, tắc mạch võng mạc gây mù, tắc mạch máu gây hoại tử… Kĩ thuật tiêm không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ ở vùng tiêm. Những nhiễm trùng này thường lan tỏa theo các đường chọc kim trong quá trình tiêm.
Để an toàn khi tiêm làm đẹp, người dân cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế).
Với những bệnh nhân mới tiêm filler có những biểu hiện của các biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lí cấp cứu kịp thời.
Theo Tú Anh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/chi-60-trieu-tiem-filler-lam-thang-chan-vong-kieng-nguoi-phu-nu-gap-hoa-20220506150635769.htm