Nhiều người chủ quan cho rằng sốt xuất huyết chỉ đáng ngại ở trẻ nhỏ, nếu ở người lớn không có gì nguy hiểm vì sức đề kháng của người lớn tốt hơn.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm dễ lan thành dịch qua con đường muỗi đốt. Ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, sốt xuất huyết ở người lớn gây nhiều biến chứng không nên coi thường.
1. Biểu hiện sốt xuất huyết ở người lớn
Sốt xuất huyết ở người lớn có nhiều biểu hiện tương đồng với sốt xuất huyết ở trẻ em. Khi bị nhiễm virus gây bệnh, người bệnh có thể sẽ đối mặt với một trong hai trường hợp là xuất huyết nội tạng và xuất huyết ngoại tạng.
Với sốt xuất huyết ở thể nhẹ
Thông thường, sốt xuất huyết ở người lớn thường xuất hiện với các biểu hiện điển hình và không có các biến chứng. Bắt đầu bằng biểu hiện sốt, sau đó có kèm theo các biểu hiện như: Sốt cao, có thể trên 40 độ C, đau vùng phía sau mắt, đau nhức đầu, phát ban, đau cơ và khớp, người bệnh sốt xuất huyết có có thể buồn nôn và nôn mửa… các biểu hiện này nhiều người cho rằng bị cảm nắng hoặc cảm lạnh, cảm gió dẫn đến chủ quan.
Với sốt xuất huyết gây xuất huyết nội tạng
Người bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến xuất huyết nội tạng, cụ thể là xuất huyết đường tiêu hóa với các biểu hiện như sốt nhẹ và đau đầu bình thường, không phát ban. Khoảng 2 ngày sau, người bệnh sẽ có triệu chứng ra máu khi đi đại tiện, phân đen hoặc xuất hiện các chấm xuất huyết trên da, người mệt mỏi…
Bên cạnh đó, trường hợp xuất huyết não sẽ khó nhận biết hơn, thường thì người bệnh chỉ bị đau đầu, sốt, liệt nửa người, sau đó hôn mê và tử vong.
Đây là một dạng nặng nhất của sốt xuất huyết, bao gồm các triệu chứng của sốt xuất huyết ở dạng nhẹ và triệu chứng chảy máu ồ ạt, huyết tương ra khỏi mạch máu, hạ huyết áp…Nhiều người bệnh sẽ xuất hiện các biểu hiện này ở các lần nhiễm sau, bởi lúc đó cơ thể đã miễn dịch với kháng nguyên virus, sau 2-5 ngày bệnh sẽ tiến triển nặng và gây tử vong một cách nhanh chóng.
Người lớn mắc sốt xuất huyết không được chủ quan và cần theo dõi sát sao.
2. Các cấp độ sốt xuất huyết ở người lớn
Sốt xuất huyết được chia làm 03 cấp độ và tùy vào mỗi cấp độ, sẽ có các dấu hiệu khác nhau:
- Cấp độ 1:
Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu như: Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da sung huyết, phát ban. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Cấp độ 2: Dấu hiệu cảnh báo
Bao gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau: Vật vã, lừ đừ, li bì. Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Gan to > 2 cm. Nôn nhiều. Xuất huyết niêm mạc. Tiểu ít.
- Cấp độ 3: Sốt xuất huyết nặng
Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau: Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích (Sốc sốt xuất huyết Dengue), ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Xuất huyết nặng. Suy tạng.
3. Biến chứng sốt xuất huyết và các biểu hiện cần nhập viện
Sốt xuất huyết ở người lớn có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch). Đặc biệt, ở nữ giới, khi mắc bệnh lâu ngày sẽ bị xuất huyết âm đạo không trùng với chu kỳ kinh nguyệt khiến nhiều chị em lầm tưởng với các bệnh về phụ khoa.
Sốt xuất huyết nếu không được điều trị đúng cách hoặc điều trị muộn có thể gây biến chứng tràn dịch màng phổi, rối loạn nguyên tố đông máu như chảy máu cam dữ dội, rong kinh ở nữ giới, xuất huyết đường tiêu hóa… Nhiều ca sốt xuất huyết dẫn tới những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và có thể để lại những hậu quả nặng nề sau này.
Vì vậy, khi phát hiện cơn đau bụng vùng hạ sườn phải, chóng mặt, đau đầu, tay chân lạnh, vã mồ hôi, tiểu ít kèm theo biểu hiện ói, đi cầu hay tiểu ra máu và vật vã… đây đều là các dấu hiệu của sốt xuất huyết cần phải nhanh chóng cho bệnh nhân nhập viện điều trị.
Vệ sinh chỗ ở, môi trường xung quanh sạch sẽ, phun thuốc diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết.
4. Điều trị sốt xuất huyết ở người lớn
Thực tế, có nhiều người còn chủ quan, cho rằng sốt xuất huyết ở người lớn không nguy hiểm. Tuy nhiên, sốt xuất huyết là căn bệnh có nguy cơ gây biến chứng cao và khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh là rất lớn. Do vậy, tùy thuộc xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp.
- Thông thường giai đoạn điều trị sốt xuất huyết ở nhà: Khi phát hiện biểu hiện sốt từ 2 - 7 ngày, người bệnh có thể điều trị ở nhà và biện pháp điều trị duy nhất là bù nước cho người bệnh.
- Giai đoạn nhập viện thời gian ngắn (12-24 giờ): Cần phải đưa người bệnh nhập viện ngay khi biện pháp bù nước bằng đường uống không mang lại kết quả và người bệnh xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc.
- Giai đoạn nhập viện thời gian dài (>24 giờ): Bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải nhập viện điều trị ngay khi có biểu hiện chân tay lạnh, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở...
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, khi bệnh sốt xuất huyết ở người lớn thuộc thể nhẹ thì có thể chăm sóc tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm và có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt với paracetamol, lau mát khi sốt cao. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, có thể đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm cần thiết (nếu có thể).
5. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Thông qua con đường trung gian là muỗi vằn, bệnh sốt xuất huyết có thể lây từ người này qua người khác. Chính vì vậy, biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở người lớn hiệu quả bao gồm:
- Vệ sinh chỗ ở, môi trường xung quanh sạch sẽ. Sử dụng các loại xua đuổi muỗi (phun thuốc diệt muỗi hoặc sử dụng vợt muỗi để tiêu diệt muỗi vằn).
- Phát quang bụi rậm và thực hiện ngủ màn để hạn chế được tình trạng bị muỗi đốt.
- Diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng.
- Đậy kín các vật dụng chứa nước, thường xuyên thay nước ở các bình hoa. Thả cá để diệt lăng quăng.
Tóm lại: Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nhiều nguy cơ biến chứng. Với người nhà bị sốt xuất huyết cần theo dõi thường xuyên và xử trí đúng cụ thể: cần tới cơ sở khám bệnh tại cơ sở y tế gần nhất. Tuân thủ đơn thuốc, uống nhiều nước, nhất là dung dịch điện giải, nước sinh tố. Ăn nhẹ, thường khuyên ăn cháo thịt nạc, ít mỡ dễ tiêu.
Nếu có các triệu chứng xấu như xuất huyết nhiều nơi, ồ ạt, vã mồ hôi lạnh, mệt mỏi quá mức hay ý thức u ám lơ mơ, nhất thiết phải đưa đi bệnh viện để cấp cứu.
Theo BS Lê Thị Hoa/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/sot-xuat-huyet-o-nguoi-lon-trieu-chung-bien-chung-va-cach-xu-tri-dung-khi-mac-sot-xuat-huyet-169220506090700213.htm