Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp trên 25% GRDP của tỉnh và nâng lên 35% vào năm 2030, Vĩnh Phúc đang phấn đấu đưa kinh tế số ứng dụng sâu rộng vào các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực thiết thực nhất là thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh nhưng đã hình thành và có sự chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Trong đó, gần 8.000 doanh nghiệp trên tổng số 11.300 doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh đều đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau.
Đến nay, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán – POS không dùng tiền mặt; 55% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử.
Toàn tỉnh hiện có trên 6.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Với nền tảng sẵn có, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, tỉnh đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tối thiểu có 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; trên 75% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và tham gia vào các giao dịch điện tử trên môi trường mạng./.
Hải Đăng