Giáo dục truyền thống lịch sử thường được biết đến qua những câu chuyện, sách vở để truyền đạt kiến thức đến học sinh theo cách học tập truyền thống. Hiện nay, qua các ứng dụng số việc tìm kiếm thông tin, học tập, tìm hiểu về truyền thống đã ngày càng đa dạng hơn với hình ảnh, video minh họa hay các cuộc thi số tạo ra hứng thú cho các em học sinh.
Thay vì những tiết học lịch sử truyền thống được học tập qua sách giáo khoa thì thông qua các tư liệu, học liệu trực quan bằng hình ảnh, video… đã đem đến cách nhìn nhận, chăm chú tìm hiểu cho học sinh, giúp các em dễ hiểu bài và cảm nhận sâu sắc hơn về những cuộc chiến tranh gian khổ để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Trong suốt năm học, các giờ học lịch sử đã được thầy cô giáo tăng cường sử dụng thiết bị để trình chiếu những thước phim tư liệu lịch sử cách mạng. Đó là những hình ảnh xe tăng, quân đội hành quân, các chiến dịch lịch sử…những ngày tháng hào hùng của toàn dân tộc…Mỗi hình ảnh, thước phim đều thu hút học sinh, chăm chú lắng nghe. Việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên cơ sở các nền tảng số, cán bộ, giáo viên cải tiến phương pháp giảng dạy, tạo sự trải nghiệm mới mẻ cho học sinh, tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành. Tăng cường phối hợp với cơ quan, đơn vị, đoàn thanh niên tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử qua mạng internet, phần mềm trực tuyến... nhằm phát triển năng lực, tăng sự hứng thú học tập, xây dựng kho học liệu để nâng cao chất lượng môn học.
Vận dụng linh hoạt các nền tảng số, dữ liệu số cho thấy hiệu quả đối với việc học tập và giảng dạy trong các nhà trường, qua đó, giúp truyền cảm ứng, sự yêu thích bộ môn lịch sử đến học sinh và các tiết học phát huy ý thức tư duy sáng tạo phục vụ bài học hiệu quả.
Tiến Trang