Cập nhật: 20/05/2022 08:25:00
Xem cỡ chữ

Bàn chân và cẳng chân của trẻ mới biết đi không giống với trẻ tuổi vị thành niên hay người trưởng thành, điều này có thể khiến các bạc cha mẹ băn khoăn và thậm chí là lo lắng.

Trẻ sơ sinh chân vòng kiềng có bình thường không? Liệu có cần lo lắng nếu bàn chân của trẻ hướng vào trong? Có nên tham khảo ý kiến chuyên gia nếu trẻ sơ sinh có bàn chân bẹt hay không? Đây chỉ là 3 trong số vô vàn những thắc mắc của cha mẹ liên quan tới đôi bàn chân của trẻ sơ sinh và trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi.

Sự tiến hóa bàn chân và cẳng chân của bé

Theo bác sĩ chuyên khoa Christophe Blanc tại Pháp, hầu hết trẻ khi mới sinh đều có phản xạ đi bộ. Tuy nhiên, do cơ bắp chưa phát triển nên chúng chưa thể đi được.

Khi mới chào đời, trẻ chỉ bú và ngủ, do đó cơ bắp của trẻ chỉ cử động nhẹ nhàng và chưa phát triển hết. Từng chút một, bé sẽ bắt đầu ngóc đầu lên ở tư thế nằm, ngồi dậy và di chuyển bằng cách bò. Đó là lúc các cơ đang dần phát triển, kéo xương, gân và định hình khung xương.

Bàn chân bẹt của bé: Đến khi nào thì bình thường?

Hầu hết trẻ sơ sinh đều có bàn chân bẹt (không có vòm bàn chân) do cấu trúc bàn chân của trẻ chủ yếu là các mô mềm. Tuy nhiên khi trẻ đến độ tuổi từ 2 đến 3, vòm bàn chân sẽ bắt đầu phát triển hoàn thiện và hiện tượng bàn chân bẹt sẽ hết khi trẻ khoảng 4 đến 6 tuổi tùy từng trẻ.

Trẻ càng di chuyển nhiều, cơ thể sẽ càng hình thành cơ bắp và vòm bàn chân của trẻ sẽ càng mở rộng. Vì vậy việc lựa chọn giày phù hợp là điều cần thiết cho sự phát triển bàn chân của trẻ. Chuyên gia Christophe Blanc nhấn mạnh, tốt hơn hết là cha mẹ nên để trẻ đi chân trần càng nhiều càng tốt, hoặc đi giày mềm không có vòm để tạo điều kiện cho sự phát triển hoàn thiện của đôi bàn chân.

Bé bị vòng kiềng: Mẹ có nên lo lắng?

Khi mới sinh, trong hầu hết trường hợp, chân của trẻ đều hơi cong, hình dạng như dấu ngoặc nhọn, với đầu gối tách ra và mắt cá chân dính vào nhau, hay còn gọi là genu varum (chân vòng kiềng). Tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường. Bởi trong quá trình phát triển và  tập đi, đôi chân vòng kiềng của trẻ sẽ dần chuyển thành chữ X, với đầu gối áp sát vào nhau, hay còn gọi là genu valgum (chum đầu gối). “Dưới tác động tổng hợp của trọng lượng và sinh lý giải phẫu định hướng của các bề mặt khớp của đầu gối, trẻ sẽ chuyển từ genu varum sang genu valgum trong khoảng 18 tháng đến 2 tuổi, khi trẻ học được làm thế nào để đi bộ”, chuyên gia Christophe Blanc giải thích. Thậm chí trong một số trường hợp, tình trạng này kéo dài cho đến tuổi dậy thì trước khi chân của trẻ tìm được trục bình thường.

Chân hướng vào trong: Làm thế nào để duỗi thẳng chân cho bé?

Khi ở trong bụng mẹ, trẻ thường co chân dưới đùi đối diện, ở tư thế bắt chéo chân. Khi mới sinh, trục của cổ xương đùi và đầu gối rất mở, kéo các đầu bàn chân vào trong. Độ nghiêng của cổ xương đùi lúc mới sinh là 30 đến 40 độ, ngược lại khi trưởng thành phải 15 độ. Theo bác sĩ Chrristophe Blanc, tình trạng này sẽ giảm dần, nhờ vào chuyển động quay bên ngoài của hông, đây là nguyên nhân khiến các đầu bàn chân dần dần mở ra. Thông thường ở độ tuổi từ 3 đến 8, bàn chân sẽ trở nên song song

Nếu sự tiến hóa này là sinh lý và diễn ra tự nhiên, thì vẫn cần đảm bảo rằng trẻ vận động đủ và vận động chính xác, để cơ bắp phát triển tối ưu. Bố mẹ có thể giúp bé thực hiện các bài tập nhỏ để kích thích sự phát triển của bàn chân như đi bằng gót chân hoặc kiễng chân, lấy đồ vật bằng bàn chân (cầm nắm) hoặc thậm chí cử động ngón chân ... Nhưng trên hết là điều cần thiết là hãy để chân bé chạm đất càng sớm càng tốt.

Khi nào bạn nên lo lắng?

Nếu đứa trẻ giữ chân ở chữ X sau 6 tuổi, tiếp tục giữ chân hướng vào trong sau 1 năm biết đi hoặc vẫn bị bàn chân bẹt khi hơn 7 tuổi và khi đó bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia. “Nhìn chung, nếu trẻ cảm thấy khó chịu hoặc đau khi đi lại, kêu mỏi tay rất nhanh hoặc thường xuyên bị ngã thì tốt nhất nên đi khám để kiểm tra xem trẻ có biểu hiện gì bất thường hay không”, bác sĩ Chrisphe Blan cho biết thêm.

Làm thế nào để bàn chân của bé phát triển?

Bàn chân của bé trải qua quá trình phát triển khá ấn tượng trong những tháng đầu đời.

Trong khoảng thời gian từ sơ sinh đến 2 tuổi, bàn chân bẹt, mũm mĩm của bé sẽ phát triển trung bình 2 cm mỗi năm, với tốc độ một cỡ giày khoảng hai tháng một lần.

Từ 2 đến 3 tuổi, tốc độ tăng trưởng chậm lại một chút, tăng thêm khoảng 1,5 cm mỗi năm, trung bình với tốc độ một cỡ giày sau mỗi ba tháng.

Trong độ tuổi từ 3 đến 5, trẻ sơ sinh tăng khoảng một cỡ giày cứ sau 4 đến 5 tháng, và từ 5 tuổi, trẻ tăng trung bình hai giày cỡ mỗi năm. Từ 3 tuổi trở lên 8 tuổi, vòm bàn chân bé dần lộ rõ, xương chậu bắt đầu nhô lên: bàn chân dần đạt đến sinh lý của bàn chân người lớn.

Dị tật bàn chân em bé

Trong khi bàn chân bẹt, chân vòng kiềng và bàn chân “trong” là sinh lý ở trẻ sơ sinh, thì cũng có những dị tật cần được điều trị sớm như bàn chân khoèo, bàn chân vòm, hay bàn chân đụng gót.../.

CTV Châu Nhi/ VOV.VN (biên dịch)

Theo Santemagazine

 https://vov.vn/suc-khoe/tat-ca-nhung-dieu-me-can-biet-ve-ban-chan-cua-tre-so-sinh-post942976.vov