(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
Thí sinh đạt điểm thi từ 22,5 điểm trở lên trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có mức điểm cộng ưu tiên khu vực thấp hơn so với các thí sinh khác theo nguyên tắc giảm tuyến tính và mức điểm cộng ưu tiên khu vực của thí sinh đạt 30 điểm sẽ là 0 điểm. Cách tính điểm ưu tiên khu vực này dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2023.
Đây là điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022. Việc điều chỉnh điểm cộng ưu tiên khu vực đã thu hút được sự quan tâm của công luận với nhiều ý kiến khác nhau.
Chưa công bằng?
Là lãnh đạo một trường thuộc khu vực nông thôn, được cộng điểm ưu tiên, thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cho biết quy định này khi được áp dụng sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của các học trò.
Dù chỉ là một trường thường ở huyện, nhưng trong nhiều năm qua, Quảng Xương 1 luôn có nhiều học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trường cũng nhiều năm liền có các học sinh đỗ thủ khoa trong các kỳ tuyển sinh đại học.
“Để có kết quả đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các em và của thầy cô giáo trong suốt ba năm học. Điểm ưu tiên khu vực là để bù đắp những thiệt thòi cho các học sinh ở những khu vực, vùng miền có điều kiện học tập khó khăn hơn. Chế độ vùng miền thì phải công bằng với mọi học sinh trong cùng một vùng miền, cùng một điều kiện khó khăn như nhau thì điểm ưu tiên phải như nhau, không có lý nào một em tích cực, nỗ lực lại bị cắt bớt chế độ, được ưu tiên ít hơn. Điều đó là không công bằng,” thầy Dỵ nói.
Đây cũng là quan điểm của giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo thầy Đức, chính sách ưu tiên điểm khu vực nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh vùng khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa vốn có điều kiện học tập thiếu thốn được học đại học, thúc đẩy giáo dục ở khu vực này. Xa hơn nữa, các em sau khi được đào tạo có thể quay về phục vụ phát triển quê hương.
“Tôi rất bất ngờ trước đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có lẽ vì năm ngoái có em điểm rất cao nhưng vẫn trượt nên Bộ đưa ra chính sách này. Tuy nhiên, theo tôi là không phù hợp vì đây là điểm ưu tiên theo khu vực nên nếu trong cùng một điều kiện học tập như nhau thì tất cả các em phải đều được cộng điểm ưu tiên như nhau mới công bằng,” giáo sư Nguyễn Đình Đức nói.
Thí sinh dự tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Cũng theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, việc cộng điểm ưu tiên khu vực cho các thí sinh không phải mới mà là việc đã triển khai hàng chục năm qua. “Để giải quyết tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học thì cần phân hóa đề thi tốt hơn để phân hóa thí sinh tốt hơn chứ không phải cắt giảm điểm ưu tiên của học sinh khá, giỏi,” thầy Đức nói.
Nên giao cho các trường?
Nhìn ở góc độ khác, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An lại cho rằng đây là bước đi phù hợp để vừa đảm bảo thí sinh khu vực vùng khó khăn vẫn được ưu tiên nhưng các em vùng thuận lợi cũng không bị ảnh hưởng quyền lợi quá nhiều trong cạnh tranh điểm số, nhất là khi xét tuyển vào các trường tốp trên.
Thừa nhận việc trong cùng một khu vực, thí sinh có lực học tốt, điểm cao hơn lại được cộng điểm ít hơn thí sinh có lực học kém hơn, điểm thi thấp hơn là chưa thực sự công bằng nhưng ông Thành cho rằng không có giải pháp nào là công bằng tuyệt đối. “Với việc giảm mức điểm ưu tiên cho thí sinh có năng lực học tập tốt với mức giảm phù hợp để không xảy ra tình trạng thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học như cách đưa ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo tôi nghĩ cũng là một bước đi phù hợp,” ông Thành nói.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT, cách làm của Bộ chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần ngọn phát sinh, chứ chưa giải quyết được cốt lõi của vấn đề trong cộng điểm ưu tiên là đảm bảo quyền lợi cho cả hai nhóm thí sinh: Nhóm được cộng và không được cộng điểm ưu tiên.
Vì thế, dù có thể hạn chế nhưng không thể giải quyết dứt điểm việc thí sinh điểm cao, thậm chí thủ khoa của khu vực không được cộng điểm ưu tiên vẫn có thể trượt đại học vì các thí sinh có điểm ưu tiên. “Nếu thủ khoa năm nay 29 điểm thì vẫn thấp điểm hơn thí sinh ở khu vực ưu tiên được 29 điểm và được cộng điểm ưu tiên, dù điểm cộng rất nhỏ,” ông Tùng phân tích.
Theo đó, tiến sỹ Lê Trường Tùng đề xuất nên có phần chỉ tiêu riêng cho từng nhóm đối tượng thí sinh.
Lãnh đạo Đại học FPT cũng cho rằng nên giao việc thực hiện chế độ ưu tiên cho các trường để mỗi trường tự cân đối, đưa ra các chính sách phù hợp với đặc thù của trường mình, thậm chí có thêm các chính sách riêng liên quan như học phí, ký túc xá hoặc các cơ chế khác... “Ví dụ tại Đại học FPT, chúng tôi có chính sách ưu tiên theo hướng giảm yêu cầu đầu vào đối với những thí sinh là người đầu tiên trong gia đình đỗ đại học, nhằm khuyến khích tinh thần hiếu học trong mỗi gia đình,” ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, cũng theo tiến sỹ Lê Trường Tùng, hiện việc thực hiện các chế độ ưu tiên cộng điểm cho học sinh các khu vực, vùng miền khó khăn chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi đây chỉ là một trong rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau của các trường, chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này ở các trường ngày càng giảm. Ở tất cả các phương thức xét tuyển khác như xét theo học bạ, xét theo điểm các bài thi đánh giá năng lực…các em học sinh thuộc các vùng khó khăn phải cạnh tranh hoàn toàn bằng điểm số với học sinh vùng thuận lợi, vùng đô thị.
“Xét về mặt chính sách, điều này là không phù hợp khi không đảm bảo được tính bao trùm,” tiến sỹ Lê Trường Tùng nói./.
TheoPhạm Mai (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/giam-diem-uu-tien-khu-vuc-voi-thi-sinh-diem-cao-lieu-da-cong-bang/797385.vnp