Cập nhật: 25/06/2022 08:19:00
Xem cỡ chữ

Nhiều năm nay, người dân vùng bãi ven sông Hồng sống chung với tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm do xả thải và nhiễm các tạp chất. Mong mỏi lớn nhất của người dân ở các khu vực này là có nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt thường ngày.

Hng ngày, người dân ở vùng bãi ven sông Hồng thường phải dùng hệ thống ống nối chằng chịt để dẫn nước từ các bể lọc về phục vụ sinh hoạt của gia đình. Để có nguồn nước hợp vệ sinh họ phải xây bể lọc với 2 tầng cát, 1 tầng đá để lọc nước bơm từ giếng khoan lên. Khi tạp chất được loại bỏ, sẽ chuyển sang bể lắng trước khi bơm lên bồn chứa. Máy lọc nước cũng phải thay mới lõi lọc liên tục để đảm bảo nguồn nước an toàn dành riêng cho nấu ăn và nước uống.

Nguồn nước mặt bị ô nhiễm do xả thải trong chăn nuôi, còn nguồn nước ngầm bị nhiễm tạp chất nên người dân không thể trực tiếp sử dụng khi bơm lên. Giải pháp của đa số hộ dân ở vùng ven Sông Hồng huyện Vĩnh Tường đều là hứng nước mưa để sử dụng. Vì vậy, gia đình nào cũng có 2 bể: bể chứa nước mưa để nấu ăn và bể lọc nước giếng khoan để tắm giặt. Thậm chí, nhiều hộ còn đầu tư cả hệ thống bộ lọc đắt tiền để đảm bảo sức khỏe của gia đình.

Nhiều năm trở lại đây, chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ở các xã vùng ven Sông Hồng của huyện Vĩnh Tường càng trở nên trầm trọng hơn. Nước bị vàng ố và nhiều tạp chất khiến cho nhu cầu nước sạch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và là mong mỏi của hàng nghìn hộ dân nơi đây.

Để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ khu vực nông thôn, nhất là các vùng nguồn nước bị ô nhiễm, bên cạnh đầu tư các nhà máy nước tập trung từ ngân sách tỉnh, Vĩnh Phúc đã huy động nguồn xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà máy nước sạch. Từ chủ trương đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nguồn kinh phí lớn để xây dựng nhà máy nước mặt hiện đại như nhà máy nước Sông Hồng của công ty Procon. Cuối năm nay, khi nhà máy nước này đi vào hoạt động, sẽ giải tỏa phần nào "cơn khát" nước sạch của người dân vùng bãi, cũng như đáp ứng tiêu chí từ 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung để các xã của huyện Vĩnh Tường về đích NTM nâng cao đúng hẹn.

Hà Giang