Cập nhật: 11/05/2025 19:47:00
Xem cỡ chữ

Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thì liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được xem là một yếu tố then chốt. Thời gian qua, việc phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.

Câu chuyện phải đối mặt với việc “Được mùa, nhưng mất giá” của nông dân đã dần có lời giải. Với việc xây dựng vùng sản xuất, đã tạo cho người dân đầu ra ổn định hơn, để họ sẵn sàng mở rộng quy mô. Như gần 10 hecta rau xanh của Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc, mỗi ngày cho thu hoạch trên 3 tấn rau các loại, phân phối đến nhiều đơn vị trường học, công ty. Qua đó, giúp sản phẩm của người nông dân khẳng định được chất lượng, tiếp cận với các kênh phân phối đa dạng.

Nhằm hỗ trợ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND về Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, tỉnh đã nghiệm thu và hỗ trợ kinh phí cho 11 kế hoạch liên kết với tổng kinh phí hỗ trợ trên 4,7 tỷ đồng. Những mô hình chuỗi liên kết này bước đầu góp phần thay đổi tư duy sản xuất theo lối tự phát, quy mô nhỏ lẻ của người nông dân, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho các bên tham gia liên kết.

Thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là hướng đi lâu dài của ngành nông nghiệp. Việc kết nối tiêu thụ nông sản từ vùng trồng, tới các siêu thị, đơn vị phân phối luôn có vai trò quan trọng để đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy sản xuất tại các vùng sản xuất chuyên canh. Qua đó, tạo hướng đi mới cho nông sản và tăng cơ hội xuất khẩu cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Vũ Hằng