Hầu hết các trường hợp bị giãn tĩnh mạch không đau, nhưng đôi khi tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Giãn tĩnh mạch là một tình trạng xảy ra khi các tĩnh mạch bị giãn ra và chứa quá nhiều máu, làm cho các tĩnh mạch bị xoắn lại. Những người mắc phải tình trạng suy giãn tĩnh mạch sẽ có hiện tượng nổi rõ các tĩnh mạch ở phần dưới cơ thể, cụ thể là ở chân với các đường gân nổi rõ màu đỏ, xanh hoặc tím.
Các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch hầu hết không gây đau đớn, nhưng trong một số trường hợp, người bệnh có thể có cảm giác đau nhức, nặng nề ở chân, cảm giác nóng rát, sưng tấy, đau nhức khi ngồi hoặc đứng lâu. Các tĩnh mạch mạng nhện gần bề mặt da hơn và cũng có thể xuất hiện trên mặt.
Tiến sĩ Chandra Sekhar Chevuturu từ Bệnh viện Apollo Spectra, Hyderabad, giải thích: “Các tĩnh mạch có các van nhỏ mở ra, đẩy máu về tim và đóng lại để ngăn máu chảy ngược lại. Tuy nhiên, khi van tĩnh mạch bị yếu hoặc bị tổn thương, van tĩnh mạch không thể đóng lại sau khi bơm máu, làm cho máu chảy ngược và tích tụ lại. Sự tích tụ và lấp đầy các tĩnh mạch này khiến chúng căng ra hoặc xoắn lại”.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch
Tiến sĩ Chevuturu đã chỉ ra 5 yếu tố làm suy yếu tĩnh mạch và gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch:
Tuổi tác: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bệnh này. Lão hóa dẫn đến sự hao mòn tự nhiên của các tĩnh mạch, khiến chúng yếu đi.
Giới tính: Giới tính của một người cũng là một yếu tố quyết định đến khả năng mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Phụ nữ dễ bị giãn tĩnh mạch hơn nam giới. Điều này liên quan đến sự thay đổi hormone trong thời kỳ kinh nguyệt, khiến các tĩnh mạch căng ra. Ngoài ra, phụ nữ mang thai rất dễ gặp phải tình trạng này do khi mang thai lưu lượng máu tăng lên. Thời kỳ mãn kinh cũng gây ra tình trạng này.
Di truyền: Giãn tĩnh mạch cũng có thể được truyền qua gene. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị giãn tĩnh mạch, bạn có nhiều khả năng mắc hoặc phát triển tình trạng giãn tĩnh mạch.
Béo phì: Thừa cân hoặc béo phì cũng có khả năng dẫn đến tình trạng giãn tĩnh mạch. Trọng lượng càng tăng thêm sẽ càng tạo thêm áp lực lên tĩnh mạch khiến nó yếu đi hoặc bị xoắn.
Chuyển động cơ thể: Những người đứng hoặc ngồi cùng một chỗ và một tư thế trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cao hơn. Tư thế tĩnh làm rối loạn lưu lượng máu gây tắc nghẽn tĩnh mạch.
Các biến chứng của giãn tĩnh mạch
Mặc dù hầu hết các trường hợp suy giãn tĩnh mạch không đau, nhưng đôi khi nó có thể gây ra các biến chứng hiếm gặp như loét gần tĩnh mạch, cục máu đông và chảy máu trong tĩnh mạch do tĩnh mạch bị vỡ. Những biến chứng như vậy cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, Tiến sĩ Chevuturu cho biết.
Các hoạt động như vận động tích cực của chân, ăn nhiều chất xơ, tập thể dục để cải thiện lưu thông máu và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch./.
Theo CTV Lương Trâm/VOV.VN (Biên dịch)
https://vov.vn/suc-khoe/5-yeu-to-co-the-gay-suy-gian-tinh-mach-post952516.vov