Cập nhật: 04/07/2022 16:10:00
Xem cỡ chữ

Theo thầy Trần Quang Quý, giáo viên Vật lý tại Hà Nội, có một số lỗi sĩ tử dễ gặp phải khi làm bài thi môn Vật Lý, dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ không được tốt.

Bỏ lỡ câu dễ vì làm lần lượt theo thứ tự

Thầy Quý chia sẻ, do đề thi là đề trộn, không theo thứ tự từ dễ đến khó nên có thể những câu lý thuyết, câu dễ lại nằm ở giữa đề, trong khi câu khá khó có thể nằm ngay gần đầu đề. Bởi vậy, nếu các em làm lần lượt theo thứ tự, làm với tâm lý "câu đầu không làm được thì câu sau không làm được" sẽ phí phạm rất nhiều thời gian. Kết quả là hết giờ thi, nhiều em vô tình bỏ lỡ những câu dễ ăn điểm.

Chiến thuật đúng là làm bài thi thành từng đợt, câu dễ làm trước: lý thuyết làm trước, bài tập làm sau; câu nào ngắn làm trước, dài làm sau; câu nào cảm thấy nghi ngờ về đáp án hoặc chưa làm được thì đặt dấu hỏi chấm, để cuối giờ làm tiếp. Sau khi hoàn thành một đợt sẽ tô luôn vào tờ phiếu trắc nghiệm để tạo cảm giác an toàn.

Kỳ vọng đạt điểm 10

Theo thầy Quý, trong đề thi nó luôn có bẫy tâm lý rất lớn là "bẫy kỳ vọng điểm 10". Tức là đề ra, không phải ai cũng làm được 10 điểm, nhưng nhiều bạn có kỳ vọng đạt điểm tuyệt đối nên thường làm vội, không rà soát cẩn thận câu dễ, dành thời gian cố làm câu khó.

Trong cấu trúc đề luôn có 10% vận dụng cao, tương đương 4 câu. Những câu này, ở tầm giáo viên cũng gặp khó khăn khi thời gian làm bài chỉ có 50 phút, không riêng với học sinh. Trên thực tế, nhiều bạn nghĩ mình cần có thời gian làm những câu cuối nên làm bài rất vội dẫn đến sai sót, sai câu rất dễ. Có em mất điểm tới 4-5 câu dễ, trong khi đó những câu cuối cố làm cũng không làm được.

Bởi vậy, nếu không thuộc nhóm học sinh giỏi, học sinh xuất chúng, các em không nên quá tập trung vào những câu cuối, thay vào đó hãy quay lại kiểm tra rà soát câu dễ đã làm và những câu băn khoăn lúc đầu. Bên cạnh đó, kết hợp với chiến lược may mắn, xác suất thì điểm sẽ cao hơn.

Sĩ tử cẩn thận không bị dính bẫy ngôn từ trong Đề thi Vật lý - 1

Thầy Trần Quang Quý - Ảnh: NVCC.

Dính "bẫy" ngôn từ

Thầy Quý lưu ý, khi làm bài thi trắc nghiệm, các em cần có sự cẩn thận, phải gạch chân những từ ngữ, số liệu quan trọng vì đề thi rất hay bẫy và ẩn các trạng thái dữ liệu ở ngôn từ. Những bẫy thường gặp là bẫy ngôn từ, bẫy đơn vị, bẫy trạng thái và bẫy trường hợp, học sinh không phải không biết làm nhưng lại làm sai vì dính bẫy. Ví dụ , từ "giá trị" khác với từ "độ lớn".

Ngoài ra, các em cần chú ý, đáp án của Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra không phải là đáp án sai và đúng, mà là 1 đáp án đúng và 3 đáp án nhiễu. Điều này có nghĩa, nếu em nghĩ sai cũng ra đáp án, nghĩ theo hướng nào cũng ra đáp án. Đề thi không bịa ra đáp án một cách ngẫu nhiên, bởi vậy cần đọc kỹ và làm bài cẩn thận.

"Độ chính xác chỉ có 0% hoặc 100%, không có suýt đúng. Nếu đọc vội, nguy cơ bị mất điểm rất lớn", thầy Quý nhấn mạnh.

Không biết phân chia thời gian

Thời gian thi môn Vật lý chỉ có 50 phút cho 40 câu hỏi, bao gồm cả các câu khó là vận dụng, vận dụng cao, bởi vậy các em cần biết cách phân bổ thời gian hợp lý. Nên chuẩn bị sẵn đồng hồ đeo tay (không kết nối được Internet) để phân bổ thời gian.

Theo thầy Quý, nếu chia trung bình thời gian cho mỗi câu là 1,25 phút, vậy câu lý thuyết các em phải làm dưới 30 giây, bài tập làm hơn 1 phút và bài vận dụng cao làm 2-3 phút.

"20 phút đầu, các em nên dành thời gian làm những câu nhận biết, thông hiểu. 30 phút còn lại nên tập trung vào những câu vận dụng và rà soát lại bài. Riêng với học sinh giỏi, học sinh xuất chúng, 30 phút còn lại có thể chia thành 20 phút làm câu vận dụng, 10 phút làm câu vận dụng cao", thầy Quý đưa ra lời khuyên.

Ôn thi trước giờ G, lưu ý điều gì?

Theo thầy Trần Quang Quý, những ngày ôn luyện "nước rút" cuối cùng trước bài thi môn Lý, điều quan trọng nhất là ôn tập được lý thuyết. Các em cần nhớ, "lý thuyết là cha đẻ của trắc nghiệm". Trong cấu trúc đề thi, 60% sẽ là lý thuyết và bài tập cơ bản, 30% là bài vận dụng, cũng được giải quyết bằng những phương pháp lý thuyết, chỉ có 10% là bài vận dụng cao (tổng hợp của rất nhiều câu hỏi, kết hợp giữa Toán và hiện tượng Vật lý đặc biệt).

Phương pháp học tốt lý thuyết môn Lý là vẽ sơ đồ. Các bạn phải vẽ được sơ đồ tổng quát một năm học theo bản đồ tư duy, sau đó đi chi tiết vào từng nhóm lý thuyết. Bên cạnh đó, phải học cách chứng minh lại công thức thì kiến thức mới "ngấm", nếu học vẹt sẽ không thể nhớ.

Khi học các định nghĩa, các em cần đi sâu vào bản chất ngôn từ. Ví dụ, phải phân biệt được từ nào ảnh hưởng đến cả câu đó mà chỉ cần thay thế là sai. Đề thi thường cài "bẫy" bằng cách thay thế những từ ngữ này. Ví dụ, trong định nghĩa "chu kỳ là khoảng thời gian ngắn nhất để vật trở về trạng thái ban đầu", các từ quan trọng là "ngắn nhất" và "trạng thái". Cách học lý thuyết sâu là biết phân tích ngôn từ trong định nghĩa, hiểu được ngôn từ. Từ đó, các em sẽ suy rộng được ra các vấn đề khác.

Cách học công thức rất hay trong môn Lý là chứng minh để hiểu bản chất, sau đó tìm cách đặt tên cho công thức một cách hài hước, gần gũi sẽ dễ nhớ hơn.

Vấn đề chủ đạo thứ hai khi ôn tập môn Lý thời điểm này là luyện đề. Việc luyện để không chỉ để lấy kiến thức, mà còn giúp sĩ tử có được chiến lược làm đề, đo tốc độ, xây dựng phản xạ. Chính các em phải đánh giá được mình làm đến câu bao nhiêu thì bị "tắc", biết mình yếu ở đâu để bổ sung lại bằng lý thuyết.

Để luyện đề hiệu quả, các em cần có bộ đề chuẩn cấu trúc và sổ tay luyện đề, kế hoạch luyện đề. Một sai lầm thường gặp là nhiều bạn khi luyện đề không đo lường, ghi chép những điểm mình hay bị sai, hay bị bẫy, tức chỉ luyện theo cảm tính. Nếu có sổ tay luyện đề, các em sẽ ghi ra được những chỗ mình bị tắc và đo lường tốc độ làm bài, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý hơn.

Thầy Quý nhấn mạnh, nếu có sự chuẩn bị tốt, tinh thần các em sẽ tốt. Bên cạnh đó, các em nên hạn chế kỳ vọng vào may mắn sẽ có tinh thần chủ động hơn. Đặc biệt, ở giai đoạn này, cần giữ sức khỏe tốt, ăn uống sinh hoạt điều độ, ngủ sớm, dậy sớm, hạn chế internet, hạn chế những xích mích không cần thiết, tập trung vào luyện thi.

Ngoài ra, gia đình, bố mẹ cũng nên động viên, quan tâm trẻ hơn, bởi nếu gia đình áp đặt, tạo gánh nặng tâm lý, các con sẽ cảm giác rất cô đơn, áp lực, ảnh hưởng đến kết quả thi.

Theo Nguyễn Liên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/si-tu-can-than-khong-bi-dinh-bay-ngon-tu-trong-de-thi-vat-ly-20220704145129562.htm