Người luống tuổi tiểu đêm, tiểu nhiều thường nghĩ đơn giản rằng do tuổi tác các cơ quan bị lão hoá,… Nhưng chớ chủ quan, vì rất có thể mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt.
1.Hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng tiểu gấp, có hoặc không kèm theo són tiểu gấp, thường kèm theo tiểu nhiều lần và tiểu đêm… nếu không có nhiễm trùng đường tiểu hoặc các bệnh lý rõ ràng khác.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt xảy ra khi bàng quang bị co thắt đột ngột mà không có sự kiểm soát và khi bàng quang không chứa đầy nước tiểu. Hội chứng bàng quang tăng hoạt là một tình trạng phổ biến mà không có nguyên nhân được tìm thấy cho các cơn co thắt bàng quang lặp đi lặp lại và không kiểm soát. Hội chứng bàng quang tăng hoạt đôi khi được gọi là bàng quang kích thích hoặc bất ổn định cơ chóp (cơ chóp là tên gọi của một loại cơ ở bàng quang).
2.Nguyên nhân hội chứng bàng quang tăng hoạt
Nguyên nhân cụ thể của hội chứng bàng quang tăng hoạt vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên các nguyên nhân được coi là có thể gây co thắt cơ bàng quang quá mức và mất phối hợp hoạt động giữa cơ bàng quang và cơ thắt niệu đạo như:
-Rối loạn thần kinh trong bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh xơ hóa tủy, tổn thương tủy sống do chấn thương, bệnh đái tháo đường, …
-Những bất thường trong bàng quang như khối u hoặc sỏi bàng quang.
-Các yếu tố gây cản trở dòng chảy từ bàng quang như u xơ tuyến tiền liệt hoặc các tác động điều trị vùng tiểu khung.
-Uống cà phê hoặc rượu quá mức.
Ngoài ra, một số trường hợp không xác định được nguyên nhân và nguy cơ xuất hiện tình trạng này tăng theo tuổi tác.
3. Biểu hiện của hội chứng bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt sẽ gây ra một nhóm các biểu hiện có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải.
Các triệu chứng này bao gồm:
-Tăng số lần đi tiểu: Một người sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày;
-Tiểu đêm: Tiểu đêm thường xuyên;
-Tiểu gấp: có cảm giác muốn đi tiểu đột ngột và không kiểm soát được;
-Tiểu không tự chủ: Tiểu rắt, són tiểu khi cảm thấy muốn đi tiểu;
Tuy nhiên, mỗi người lại có biểu hiện triệu chứng bàng quang tăng hoạt khác nhau. Vì vậy, biết được các triệu chứng của Hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể giúp bệnh nhân sớm được tiếp cận với phương pháp điều.
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng các cơ bàng quang hoạt động quá mức
4.Cần làm gì?
Việc kiểm soát thói quen và chế độ sinh hoạt đóng vai trò rất lớn trong việc điều trị bệnh. Nhiều trường hợp đã cải thiện đáng kể nhờ duy trì chế độ sống lành mạnh. Người bệnh nên áp dụng các phương pháp: viết "nhật ký đi tiểu", tập đi tiểu theo giờ, điều chỉnh chế độ ăn uống (hạn chế một số thức ăn và thức uống có tính kích thích), điều chỉnh lượng nước uống vừa phải, nếu bị tiểu đêm nhiều thì nên hạn chế uống nước sau 18 giờ hoặc trong vòng 3-4 giờ trước khi ngủ.
Người bệnh cần sử dụng thuốc giảm kích thích bàng quang theo chỉ định của bác sĩ. Trên thực tế, nhiều người tự động ngưng dùng thuốc sau 1-2 tuần vì cảm thấy triệu chứng ít được cải thiện. Tuy nhiên, thời gian dùng thuốc cần tới vài tháng mới thấy hiệu quả rõ rệt.
Do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
Trong một số trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị, có thể phải phẫu thuật để tăng thể tích bàng quang,...
Lời khuyên của thầy thuốc
Trên thực tế, nhiều người bệnh thường chịu đựng các triệu chứng trong suốt một thời gian dài mới tìm đến bác sĩ. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh bị mất tập trung, cản trở sinh hoạt, gián đoạn giấc ngủ kéo dài và dẫn đến nhiều hệ lụy như trầm cảm, tự kỷ, giảm khả năng tình dục…
Phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh không rơi vào vòng xoắn bệnh lý như đã nêu trên.
Theo BS. Nguyễn Hưng/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/bang-quang-tang-hoat-chung-benh-khong-chi-gay-phien-toai-169220705151239225.htm