Bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản ở trẻ em là dị tật bẩm sinh thường gặp. Bệnh gây cản trở dòng nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể làm cho thận bị tổn thương nghiêm trọng.
1. Những hệ lụy của bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là một bất thường ở phần nối giữa bể thận và niệu quản, gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống niệu quản và bàng quang, nước tiểu bị ứ đọng ở thận sẽ gây giãn bể thận, gây nên tình trạng thận ứ nước. Thận ứ nước nhiều và kéo dài sẽ gây suy giảm chức năng hoạt động của thận dẫn đến suy thận.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến hẹp khúc nối bể thận niệu quản?
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản có thể xuất hiện ở một bên hoặc hai bên, nhưng tỉ lệ hẹp bên trái cao hơn bên phải gấp hai lần. Đây là nguyên nhân gây tắc nghẽn phổ biến nhất ở trẻ.
Bệnh thường gặp ở trẻ 5 tuổi, người lớn bệnh thường được chẩn đoán ở tuổi 30 – 40, với tỉ lệ gặp ở nam giới cao gấp đôi nữ giới.
Bệnh có khuynh hướng gia đình, nếu trong gia đình có người thân bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hẹp khúc nối bể thận - niệu quản như:
- Nguyên nhân nội tại: Điển hình, vị trí tắc nghẽn xảy ra tại một đoạn teo hẹp ở khúc nối bể thận niệu - quản
- Nếp gấp niệu quản: Do đoạn niệu quản gần bể thận bị gập, xoắn
- Niệu quản cắm cao
- Nguyên nhân ngoại lại: Mạch máu bất thường ở cực dưới
- Thận móng ngựa, niệu quản sau tĩnh mạch chủ, polyp niệu quản
Hình ảnh chụp CT chẩn đoán hẹp khúc nối bể thận - niệu quản ở một bệnh nhi.
3. Biểu hiện của hẹp khúc nối bể thận - niệu quản
Bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản thường tiến triển âm thầm, không gây các triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ khi siêu âm ổ bụng hoặc khi đã xuất hiện các biến chứng thận ứ nước lớn, giảm chức năng một phần hoặc hoàn toàn.
Trong một số trường hợp, trẻ sẽ có một hoặc nhiều các triệu chứng như: Đau bụng, đau vùng hông lưng và trẻ thường kêu đau một bên bụng hoặc vùng hông lưng, đau từng đợt, nhiều ngày, đau có thể kèm buồn nôn và nôn.
Ngoài ra, trẻ có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu: Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục...
4. Chẩn đoán bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản
Ngoài biểu hiện lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định làm những xét nghiệm để tìm nguyên nhân và đánh giá chức năng thận như:
- Xét nghiệm: Ure, creatinin, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu.
- Siêu âm thận: Hữu ích trong chẩn đoán một khối ở thận và hình ảnh dãn niệu quản khác biệt cho đến khúc nối nơi tắc nghẽn. Hầu hết siêu âm được dùng để khảo sát thường quy trên các trẻ.
- Chụp xạ hình thận: Giúp đánh giá sự tưới máu ở thận, chức năng tương đối của mỗi thận
- Chụp bàng quang ngược dòng để phát hiện trào ngược bàng quang niệu quản.
- Chụp cắt lớp vi tính giúp đánh giá chức năng thận và dựng hình được chính xác vị trí hẹp.
Phương pháp điều trị chính trong hẹp khúc nối bể thận- niệu quản là phẫu thuật.
5. Bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản chữa như thế nào?
Việc điều trị thường được lựa chọn là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh trong việc xác định chính xác vị trí chít hẹp, từ đó mới quyết định phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Phương pháp điều trị chính trong hẹp khúc nối bể thận- niệu quản là phẫu thuật: Nội soi xẻ rộng chỗ hẹp hoặc phẫu thuật mổ mở tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản. Hiện đa số các bệnh nhi sẽ được sử dụng phương pháp mổ nội soi, nhờ đó rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế rủi ro, nâng cao chất lượng điều trị, đồng thời rút ngắn thời gian hậu phẫu, giảm chi phí nằm viện cho người bệnh.
Bệnh nhi sau phẫu thuật cần được theo dõi liên tục sau 1 tháng, 6 tháng và hàng năm làm các xét nghiệm đánh giá lại: Siêu âm hệ tiết niệu, CT Scanner hệ tiết niệu .
Tóm lại: Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản ở trẻ em cần phải được phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, khúc nối hẹp nhiều sẽ làm giảm lưu lượng nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang, nước tiểu bị ứ đọng ở thận sẽ gây giãn bể thận, giãn các đài thận, gây nên tình trạng thận ứ nước.
Thận ứ nước nhiều và kéo dài sẽ gây suy giảm chức năng hoạt động của thận dẫn đến suy thận. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh hoặc có các biểu hiện đau bụng bất thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Theo ThS. BS Nguyễn Thành /suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/cac-yeu-to-gay-gu-veo-cot-song-o-tre-em-cha-me-can-biet-169220703201205567.htm