Cập nhật: 08/07/2022 09:22:00
Xem cỡ chữ

6 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng và tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Để đảm bảo cân đối cung, cầu hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ và bình ổn giá cả, thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, thành viên phối hợp chặt chẽ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn các huyện, thành phố, tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: xăng dầu, thực phẩm, trang thiết bị vật tư y tế, phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Qua kiểm tra cho thấy, thị trường hàng hóa cơ bản ổn định, nhất là những tháng đầu năm trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, găm hàng, tung tin thất thiệt, gây rối loạn thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các lực lượng chức năng, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra nhưng mức độ, quy mô nhỏ lẻ. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 … 

Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 648 vụ (với 669 đối tượng); khởi tố hình sự 27 vụ (với 30 đối tượng) về các hành vi buôn bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả; Số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 7,5 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước trên 45,8 tỷ đồng.

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường những tháng cuối năm, các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích phổ biến pháp luật đến người kinh doanh; vận động quần chúng Nhân dân tham gia tố giác hành vi vi phạm pháp luật; Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định về chất lượng hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu; Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng./.

Phương Liên