Cập nhật: 15/07/2022 08:26:00
Xem cỡ chữ

Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ là hậu quả của bất thường bẩm sinh, do tồn tại ống phúc tinh mạc khiến tạng trong ổ bụng như ruột, mạc nối lớn chạy xuống bẹn bìu tạo nên các khối phồng to ở bẹn.

Thoát vị bẹn là một bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều bậc cha mẹ khi biết con mắc bệnh thoát vị bẹn thường rất lo lắng, không biết bệnh có nguy hiểm không và phải điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thoát vị bẹn ở trẻ có thể tự khỏi không - Những biến chứng có thể xảy ra?

Thoát vị bẹn ở trẻ em là tình trạng khối phồng phình lên một cách bất thường, có thể nhìn thấy ở khu vực bẹn, một hoặc cả 2 bên. Thoát vị bẹn ở trẻ không tự khỏi, nếu không điều trị sẽ xảy ra các biến chứng như:

- Nghẹt, hoại tử ruột: Đó là tình trạng mắc kẹt ruột trong túi thoát vị, lúc này khối thoát vị không thể đẩy lên được và rất đau. Khoảng 20% bệnh nhân có thể bị nghẹt ruột ở bất kỳ tuổi nào, nhưng thường bị ở trẻ nhỏ, khoảng 60% bị thoát vị nghẹt hay xảy ra trong 3 tháng đầu sau sinh.

- Rối loạn tiêu hoá, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ.

- Bệnh còn là yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn ở trẻ trai.

Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không? - Ảnh 2.

Thoát vị bẹn, một bệnh lý cần được phát hiện và xử trí càng sớm càng tốt cho trẻ .

Các triệu chứng của bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em

Thoát vị bẹn ở trẻ em có biểu hiện bằng một khối phồng căng cứng vùng bẹn bìu ở trẻ trai và vùng gần âm môi ở trẻ gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ khóc, rặn đại tiện hay sau vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn trẻ lại như bình thường. Đa số các trẻ nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc, kêu đau (với trẻ lớn) và bỏ bú, nôn ói (trẻ nhỏ). Thường ghi nhận có khối phồng lên xẹp xuống ở vùng bẹn trước đó ở trẻ, nay khối phồng căng và không xẹp lại như mọi khi.

Một bên bẹn hoặc bìu trẻ to lên so với bên kia, hoặc cả 2 bên đều phình to bất thường, tình trạng này có thể hình thành trong một khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng.

Thoát vị bẹn ở trẻ thường không đau, nhưng cũng có thể gây đau đớn bất ngờ, khi trẻ buồn nôn và nôn mửa, là dấu hiệu cho thấy một phần của ruột có thể đã bị mắc kẹt trong thoát vị (thoát vị bẹn nghẹt). Khi phát hiện dấu hiệu của thoát vị bẹn nghẹt, cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy cơ hoại tử khối nghẹt.

Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không? - Ảnh 3.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất để điều trị bệnh lý thoát vị bẹn.

Điều trị thoát vị bẹn ở trẻ và độ tuổi nào thì phẫu thuật được?

Cho đến nay phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất để điều trị bệnh lý này. Phẫu thuật có thể là phẫu thuật mổ mở kinh điển hoặc phẫu thuật nội soi 1 lỗ, 2 lỗ hoặc 3 lỗ.

Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn. Mọi lứa tuổi (trừ trường hợp bé sinh non hoặc có bệnh lý nặng đi kèm) đều có thể phẫu thuật thoát vị bẹn. Đường mổ nhỏ khoảng 3 - 4cm ở vùng nếp gấp bẹn, rất khó thấy và đảm bảo tính thẩm mỹ. Phẫu thuật mất khoảng một giờ, bệnh nhân có thể về nhà trong ngày. Thông thường vết mổ sẽ lành và được cắt chỉ sau bảy ngày.

Tuy nhiên, hiện nay phẫu thuật nội soi được lựa chọn nhiều, ưu điểm của phương pháp phẫu thuật mới này là đường mổ nhỏ, ít đau sau mổ, có thể dễ dàng phát hiện thoát vị bên đối diện nếu có và xử lý luôn trong 1 lần mổ, điều này đặc biệt quan trọng đối với thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh - lứa tuổi có khả năng cao bị cả hai bên.

Tóm lại: Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lý bẩm sinh, không tự khỏi. Nếu không điều trị sẽ xảy ra biến chứng nghẹt, dẫn đến các hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe ở trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi khối thoát vị đã hình thành thì sẽ lớn dần, nhanh hay chậm tùy thuộc mỗi người. Do đó, khi thấy trẻ có các dấu hiệu của thoát vị bẹn cần đưa đến bệnh viện khám và điều trị càng sớm càng tốt, để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Ở thời kì bào thai, tinh hoàn nằm ở dưới thận, phía trong phúc mạc. Trong quá trình tinh hoàn di chuyển trong ống bẹn xuống dưới bìu, nó kéo theo lớp vỏ phúc mạc bao quanh nó, tạo thành một cấu trúc giống hình ống, gọi là ống phúc tinh mạc. Sau khi tinh hoàn đã xuống đến bìu, ống phúc tinh mạch này bị bịt lại trở thành một dây xơ. Đầu xa của ống này trở thành một lớp màng mỏng bao quanh tinh hoàn (chính là màng tinh hoàn - tinh mạc).

‎Bình thường, vùng bẹn bìu không thông thương với ổ bụng. Các tạng trong ổ bụng cũng như dịch phúc mạc không thể xuống được màng tinh hoàn. Nếu ống phúc tinh mạc không được đóng kín, tình trạng này được gọi là tật "còn ống phúc tinh mạc". Nếu đường kính của ống nhỏ và chỉ đủ cho nước chảy qua thì gây ra bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn hoặc nang thừng tinh, nếu đường kính ống lớn, ruột, buồng trứng, mạc nối lớn hoặc những tạng khác trong ổ bụng có thể thoát xuống, tình trạng này gọi là thoát vị.

Theo BS. Trần Đức/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/thoat-vi-ben-o-tre-em-phat-hien-cang-muon-cang-nguy-hiem-169220712103810821.htm