Chương trình “Cõi thiêng Đồng Lộc” được dàn dựng công phu, kể lại những câu chuyện dung dị về 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc qua những vở kịch ngắn, những ca khúc đi cùng năm tháng...
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), tối 22/7, tại quảng trường khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Báo Nhân Dân phối hợp Tạp chí Cộng sản, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc."
Chương trình cũng là hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc gắn với tưởng niệm 54 năm Ngày hy sinh của 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong (24/7/1968-24/7/2022).
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại biểu các bộ, ban, ngành trung ương; tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hà Giang, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân các liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong, các lực lượng từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc và đông đảo nhân dân.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Xuân Thắng hoan nghênh và đánh giá cao Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cõi thiêng Đồng Lộc." Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn," “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã có biết bao dấu tích chiến công hiển hách; nhiều tên đất, tên người đã đi vào huyền thoại, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Do có vị trí địa lý trọng yếu, Ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Nhưng với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước," “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người," “xe chưa qua, nhà không tiếc," trong mưa bom, bão đạn, quân và dân Hà Tĩnh đã ngày đêm bám trụ, chiến đấu kiên cường, bảo đảm thông đường cho xe, hàng hóa, vũ khí và các lực lượng chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, đã có biết bao người con thân yêu của dân tộc ngã xuống và mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này, trong đó có sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Sự hy sinh của các chị là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Những chiến công của quân và dân ta trên chiến trường Đồng Lộc là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại của Đảng ta.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm chăm lo làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa," thực hiện chính sách đối với người có công; đầu tư tôn tạo, xây dựng phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng.
Được sự quan tâm của Trung ương và giúp đỡ của đồng bào cả nước, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc ngày càng khang trang, trở thành Di tích quốc gia đặc biệt để ghi công sự hy sinh anh dũng của đồng bào, đồng chí và lực lượng thanh niên xung phong toàn quốc.
Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Hà Tĩnh luôn chăm lo thực hiện tốt các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao trong hai năm 2021, 2022, giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng gần 50 nhà văn hóa cộng đồng, kết hợp tránh trú bão lũ; gần 3.500 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đây là những việc làm hết sức có ý nghĩa, nhân văn cần tiếp tục phát huy.
Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược thành ý chí, sức mạnh đoàn kết và sáng tạo trong xây dựng, kiến thiết quê hương.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Đảng bộ, Nhân dân Hà Tĩnh tiếp nối truyền thống văn hóa, anh hùng và cách mạng của quê hương; khơi dậy ý chí, khát vọng của con người Hà Tĩnh; tiếp tục viết nên những kỳ tích Núi Hồng-Sông La trong thời kỳ mới, xây dựng Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đặc biệt, Hà Tĩnh phải tiếp tục quan tâm, thực hiện thật tốt phong trào “đền ơn đáp nghĩa," chăm lo các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình có công với cách mạng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng tin tưởng rằng với truyền thống cách mạng vẻ vang, với niềm tự hào về Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục vững bước đi lên với niềm tin, quyết tâm và giành nhiều thắng lợi mới; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.
Phát biểu tại chương trình, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh trong không khí xúc động hôm nay, trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, những người làm báo và tạp chí của Đảng nguyện sát cánh cùng Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, sát cánh cùng nhân dân cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); thực hiện bằng được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng quan hệ xã hội nhân ái, nhân văn đậm đà hồn Việt.
Một tiết mục văn nghệ tại chương trình Cõi thiêng Đồng Lộc. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Trong buổi lễ long trọng này, các đại biểu tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới mười nữ thanh niên xung phong anh hùng, tới các liệt sỹ và thân nhân từng được nhắc tên và chưa được nhắc tên trong sử sách.
Đứng trước anh linh của những thế hệ đi trước đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại trên mảnh đất này và rất nhiều địa danh trên đất nước Việt Nam, những Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Đường 9, Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị, Vị Xuyên-Hà Giang..., các đại biểu càng thêm trân trọng sự quý giá của độc lập tự do, những giá trị mà chúng ta có được hôm nay được đánh đổi bằng biết bao máu xương của các thế hệ cha anh.
Chương trình “Cõi thiêng Đồng Lộc” kể lại những câu chuyện dung dị về 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc qua những vở kịch ngắn, những ca khúc đi cùng năm tháng để phần nào lý giải sức mạnh đã giúp những con người có thân hình nhỏ bé ấy có thể sống, chiến đấu và chiến thắng trước sự hủy diệt của bom đạn quân thù.
Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” được dàn dựng công phu, bao gồm các tiết mục ca nhạc, kịch nói đặc sắc, do các nghệ sỹ nổi tiếng biểu diễn, thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, các cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… đã chiến đấu, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Bên cạnh đó, chương trình tái hiện ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, niềm tin tưởng, lạc quan, khát vọng hòa bình, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nhân văn cao cả và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.
Tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao nhiều phần quà có ý nghĩa thiết thực như, trao tặng 8 nhà tình nghĩa (mỗi nhà 100 triệu đồng); 50 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 10 triệu đồng) cho thân nhân 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 20 suất học bổng (mỗi suất 3 triệu đồng) cho các em học sinh nghèo vượt khó./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/coi-thieng-dong-loc-khoi-day-y-chi-khat-vong-cua-con-nguoi-ha-tinh/807205.vnp