Thời gian qua, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc luôn chủ động tiếp cận, tiên phong đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ việc cải cách hành chính theo hướng điện tử hóa, số hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Với phương châm “Nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân”, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện, thành phố thực hiện toàn diện và đồng bộ công tác cải cách hành chính trên tất cả các mặt công tác, trong đó tập trung thực hiện giao dịch điện tử; tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành và thực hiện chuyên môn nghiệp vụ; khai thác và ứng dụng hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ; tiếp tục triển khai ứng dụng hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công mức độ 4. Đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ phối hợp bổ sung, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT phục vụ cho việc đồng bộ dữ liệu Ngành BHXH đang quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 25/25 TTHC đạt tỷ lệ 100%; số lượng căn cước công dân được đồng bộ với thẻ BHYT đạt trên 510.000 người, chiếm 45,96 % tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giao dịch điện tử với 100% các đơn vị, doạnh nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính liên quan.
Nhờ đẩy mạnh cung cấp, ứng dụng các dịch vụ công mức độ 4 và minh bạch hóa các quy trình nghiệp vụ thông qua các ứng dựng công nghệ thông tin, việc cải cách hành chính của cơ quan BHXH tỉnh luôn được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Nhiều năm liền BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ hạng cao trong các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh về chỉ số cải cách hành chính./.
Thu Hoài