Quá trình chuyển đổi số của Vĩnh Phúc với thời gian chưa dài song đã đi đúng hướng, lựa chọn được những công việc đột phá trong thực hiện các trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, từng bước định hình, mang lại những giá trị mới cho người dân, xây dựng công dân thời chuyển đổi số.
Thực hiện chuyển đổi số, nhiều hội viên Nông dân trong tỉnh đã tận dụng sự phát triển của các nền tảng Mạng xã hội, đã tự tìm hiểu, học hỏi đưa sản phẩm nông nghiệp của mình quảng bá rộng rãi, chia sẻ kinh nghiệm canh tác thông qua các video đến bà con trong và ngoài địa bàn tỉnh. Hay các tiểu thương tại chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng đã dần chuyển sang hình thức thanh toán điện tử để mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng. Thậm chí những quán vỉa hè, giá trị cốc nước chỉ 5 nghìn đồng cũng đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức thanh toán của mình.
Chuyển đổi số đang là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người dân. Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, cuộc sống sinh hoạt, chuyển đổi số đang thâm nhập và dần thay đổi mọi thứ. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ thiết yếu trong đời sống sinh hoạt cũng đã tích cực, tiên phong trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như Momo, Zalo Pay hay Viettel Money, góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong phát triển kinh tế số, mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu tối thiểu có 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; trên 75% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và tham gia vào các giao dịch điện tử trên môi trường mạng; 100% các xã, phường, thị trấn ứng dụng thương mại điện tử phục vụ giao dịch nông, sản phẩm, hàng hóa. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đang thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Cùng với đó, phát triển thương mại điện tử, đưa hạ tầng bưu chính số trở thành một bộ phận trong hệ thống Logistics về thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ bán sản phẩm, hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống và ngành nông nghiệp, để mỗi xã nông thôn mới thành một siêu thị nông sản trực tuyến./.
Vũ Hằng