Trong lễ khai giảng năm học mới 2022-2023, hiệu trưởng các trường cho rằng, phải dạy học sinh trung thực từ những điều nhỏ nhặt. Các em cũng cần được trưởng thành trong sự tôn trọng để có sự tự tin.
Hôm nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023. Năm nay, dịch bệnh đã được đẩy lùi, các trường học đều tổ chức lễ khai giảng ấn tượng, có phần chính và phần hội, lấy học sinh làm trung tâm.
Hôm nay (5/9), học sinh trên toàn quốc nô nức tới trường dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, với lễ khai giảng, nhà trường thiết kế 35 phút cho phần lễ, còn lại học sinh sẽ được hoà mình vào không khí của ngày hội thể thao với các trò chơi, giải thưởng bóng rổ, kéo co...
“Thông điệp nhà trường gửi gắm là học sinh được phát triển hài hoà và trưởng thành trong sự tôn trọng", bà Tô Hải Yến nói.
Bà Yến chia sẻ, việc yêu cầu học sinh phát triển hài hoà sẽ bao gồm: trí tuệ và cảm xúc; văn hoá và rèn luyện thể lực. Đây là những điều cần làm tốt trong tương lai thay vì chỉ học tập. Hay “trưởng thành trong sự tôn trọng” cũng cần được đặt ra bởi vì chỉ khi các em học sinh được lắng nghe, tôn trọng mới có sự tự tin.
Cô Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, trong lễ khai giảng, hiệu trưởng cũng đã truyền thông điệp tới học sinh đó là vượt lên khó khăn, biết chia sẻ và thấu cảm. Từ trường học, cô mong học sinh nỗ lực, vươn xa hơn nữa với những khát vọng: "Những khát vọng bắt đầu từ những âu lo của cha, những hi sinh của mẹ, những đồng hành vất vả của thầy cô. Một ngọn lửa rực rỡ bao giờ cũng nhen nhóm từ những tia sáng bé nhỏ đầu tiên, thành công dù vĩ đại đến mấy cũng đều xuất phát từ những khát vọng được nuôi dưỡng dưới mái trường".
Dạy học sinh trung thực từ những điều nhỏ
Bà Tèo Thị Thanh Mai, hiệu trưởng trường tiểu học Lê Qúy Đôn, Hà Đông (Hà Nội) cho biết, với việc kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, nhà trường yêu cầu giáo viên thực hiện ngay ngắn, thực chất, cho các em cơ hội phát triển.
“Đối với bậc tiểu học, các nước cũng không đánh giá quá chặt mà nhẹ nhàng, để học sinh không cảm thấy căng thẳng. Điều quan trọng là chúng ta dạy cho các em trung thực qua những hành động nhỏ”, bà Mai nói.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cũng cho rằng, để dạy học sinh trung thực cần điều chỉnh từ chính giáo viên, học sinh. Đầu tiên, giáo viên, học sinh phải trung thực với chính mình. Nếu mình không trung thực với mình thì không thể trung thực với những giá trị lớn hơn. Cần phải coi trung thực là phẩm chất lớn mà học sinh cần phải học tập, rèn giũa để có được.
"Ngoài trung thực với chính mình ở mỗi giáo viên, học sinh, nhà quản lý giáo dục, chúng ta cũng phải nghĩ tới câu chuyện không nên đặt nặng thành tích trong giáo dục để rồi gây sức ép, căng thẳng cho những người thực hiện. Có những đơn vị đầu năm đặt ra thành tích để tạo áp lực là không nên. Với tôi, là quản lý một trường học, tôi không yêu cầu năm sau thành tích của thầy trò phải cao hơn năm trước mà động viên các em nỗ lực hết khả năng", bà Yến chia sẻ.
“Mỗi học sinh, giáo viên làm tốt phần việc của mình, tự vượt qua được giới hạn bản thân đã là thành tích. Đánh giá học sinh cũng vậy, cần đánh giá về sự tiến bộ chứ không cần, không nên đánh giá về sự hoàn thiện. Con người khó ai hoàn thiện. Nếu tất cả chúng ta đều đánh giá, nhìn nhận như vậy thì tính trung thực sẽ tăng lên”, hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ nói.
Theo Hà Linh/ tienphong.vn
https://tienphong.vn/day-hoc-sinh-trung-thuc-ngay-tu-ngay-khai-giang-post1467137.tpo