Khác với thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử hệ đóng, thuốc lá điện tử hệ mở là sản phẩm mà người dùng có thể tùy ý pha thêm tinh dầu, thậm chí chất cấm vào để sử dụng, rất ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thiếu cơ chế quản lý, thuốc lá điện tử lậu trở thành vỏ bọc của việc mua bán và sử dụng chất cấm.
Liên tiếp các trường hợp ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử trong thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi về nguyên nhân của các ca ngộ độc này và tình trạng quản lý thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác bao gồm thuốc lá làm nóng hiện nay như thế nào.
“Chất lạ” trong thuốc lá điện tử lậu gây ngộ độc là chất gì?
Thử gõ cụm từ khóa “ngộ độc thuốc lá điện tử” sẽ thu được hàng loạt kết quả, trong đó có tới mấy trường hợp xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn, ở các địa phương khác nhau.
Gần đây nhất là trường hợp một nam thanh niên 18 tuổi nhập Bệnh viện 199 Đà Nẵng, được chẩn đoán ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu nhưng không rõ tinh dầu và chất được bơm bên trong là gì.
Trước đó, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tiếp nhận nữ sinh viên 20 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vào nhập viện trong tình trạng tím tái, vã mồ hôi, chân tay lạnh, suy hô hấp, đồng tử giãn tối đa, huyết áp tụt sâu, mạch nhanh, nguy cơ ngừng tuần hoàn.
Nguyên nhân được xác định bệnh nhân bị ngộ độc một chất ma túy chứa bên trong lớp vỏ của một loại thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, thực tế hiện nay toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều chưa được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam mà trôi nổi trên thị trường dưới dạng hàng xách tay, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm soát chất lượng.
Đối với các trường hợp ngộ độc khi sử dụng thuốc lá điện tử, các chuyên gia cho biết, đều liên quan đến loại thuốc lá điện tử hệ mở (opened system).
Khác với thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử hệ đóng (closed system), thuốc lá điện tử hệ mở là sản phẩm mà người dùng có thể tùy ý pha thêm tinh dầu, thậm chí chất cấm vào để sử dụng.
Chính vì đặc điểm này mà thuốc lá điện tử hệ mở, cùng với nhiều loại thực phẩm, nước uống khác đã trở thành công cụ “núp bóng” của người bán và người dùng ma túy.
Các nước tiên tiến cấp phép cho sử dụng loại thuốc lá thế hệ mới nào?
Lấy ví dụ về trường hợp của Mỹ, các chuyên gia cho biết rằng không phải tất cả sản phẩm thuốc lá điện tử mà chỉ có một loại hệ thống đóng đi kèm với tinh dầu hương thuốc lá mới được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm nghiệm và cho phép thương mại hóa.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đã thông qua một sản phẩm thuốc lá làm nóng và một vài sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sử dụng qua đường uống.
Dù vẫn không khuyến khích hành vi hút thuốc lá dưới bất kỳ dạng nào nhưng việc cấp phép cho một số loại thuốc lá thế hệ mới nói trên thể hiện sự thừa nhận của FDA đối với khả năng giảm tác hại của một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
FDA cũng phân biệt rõ sự khác nhau về mặt cấu tạo và bản chất giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, đồng thời cẩn trọng trong việc ngăn chặn việc người dùng tự ý pha trộn thêm các chất khác, tránh các rủi ro liên quan đến việc sử dụng sản phẩm sai mục đích, sai đối tượng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã xếp thuốc lá làm nóng thuộc danh mục sản phẩm thuốc lá, bởi đặc tính được làm từ nguyên liệu thuốc lá nhưng khác thuốc lá truyền thống ở điểm chỉ nung nóng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên ở mức nhiệt độ dưới 350 độ C, thấp hơn nhiệt độ khi đốt thuốc lá điếu (khoảng 800-900 độ C), không tạo ra khói từ phản ứng đốt cháy, mà tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotine.
Người dùng cũng không thể tự ý pha trộn bất kỳ chất gì khác khi sử dụng thuốc lá làm nóng.
Từ thực tế về thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá thế hệ mới hiện nay đặt ra yêu cầu về việc cần có tiêu chuẩn quốc gia cho tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để chấp thuận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và kiểm soát tất cả các sản phẩm thuốc lá.
Dưới góc nhìn của giới luật sư, xét về định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá Việt Nam, thì thuốc lá làm nóng chính là sản phẩm thuốc lá “dạng khác” và cần phải được đưa vào khuôn khổ quản lý, cần có quy định pháp luật để áp dụng khi có vi phạm xảy ra trong lĩnh vực này.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, nhiều chuyên gia y tế đầu ngành cũng cho rằng, Việt Nam cần sớm đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật hiện hành.
Việc này không chỉ nhằm hạn chế sự mất kiểm soát của thị trường buôn lậu làm phát sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng và cộng đồng, mà còn là một giải pháp mang tính nhân văn cho người hút thuốc lá điếu chưa hoặc không thể cai nghiện.
Trước một số quan ngại rằng nếu đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý sẽ gây phát sinh một số hệ luỵ khác, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-Bác sỹ Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng “chúng ta nên tham khảo những chính sách quản lý tốt trên thế giới. Vấn đề quản lý chặt chẽ chừng nào là do trình độ của chúng ta”./.
Theo PV (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ly-giai-va-canh-bao-ve-tinh-trang-ngo-doc-thuoc-la-dien-tu/814659.vnp